Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu trả lời phỏng vấn Truyền hình Thông tấn về khôi phục thị trường du lịch
Sau một thời gian dài tạm dừng các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí, đến nay dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch đang chuẩn bị mọi điều kiện để tái khởi động trong bối cảnh bình thường mới với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt.
Du lịch chịu thiệt hại nặng, Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn
Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, đại dịch Covid-19 đã để lại những tổn hại rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu cũng như ở Việt Nam, trong đó du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi lượng khách quốc tế trở lại cách đây 30 năm. Du lịch Việt Nam trong gần 2 năm qua đã tạm dừng đón khách du lịch quốc tế, du lịch nội địa cũng bị ngừng trệ do những đợt dịch bùng phát, 90% các công ty lữ hành phải tạm dừng hoạt động, phần lớn lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm, lĩnh vực khách sạn chỉ đạt tối đa 30% công suất phòng.
Trước tình hình đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành những chính sách tài chính, tài khóa và an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành, trong đó có giảm tiền điện, tiền thuê đất, giảm tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên, cũng như hỗ trợ khó khăn bằng tiền mặt cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm…
Sắp tới Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch. Chương trình này sẽ có sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước vào kết nối, hàn gắn lại những chỗ đứt gẫy của các chuỗi cung ứng trên thị trường du lịch. “Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ có sự cởi mở về chính sách, cơ chế mới để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho du lịch phục hồi, phát triển sau đại dịch”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nói.
Phó Tổng cục trưởng cũng cho rằng các hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch cần có sự hỗ trợ về công nghệ để kết nối, khôi phục các dịch vụ trực tuyến, đẩy mạnh các dịch vụ ít tiếp xúc để tiếp cận thị trường. Tổng cục Du lịch đã xây dựng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đăng ký, cập nhật du lịch an toàn thường xuyên trên ứng dụng này, kết nối với hệ thống an toàn Covid quốc gia.
Khôi phục thị trường du lịch nội địa và thí điểm đón khách du lịch quốc tế an toàn
Về việc khôi phục thị trường nội địa và thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; ban hành Hướng dẫn tạm thời 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, các địa phương căn cứ vào từng cấp độ dịch để tổ chức hoạt động du lịch cho phù hợp, an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền các địa phương, người dân thực hiện các hoạt động du lịch một cách chủ động, tự tin và đúng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng như Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, qua đó giúp doanh nghiệp du lịch kết nối tour tuyến một cách nhanh nhất, tránh đứt gẫy hoạt động kinh doanh du lịch trên toàn quốc.
Về du lịch quốc tế, Bộ VHTTDL đã ban hành hướng dẫn tạm thời số 4122 về thí điểm đón khách du lịch quốc tế, trong đó nêu rõ điều kiện, quy trình, lộ trình 3 giai đoạn mở lại hoạt động du lịch quốc tế với thông điệp "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Giai đoạn đầu từ tháng 11/2021 sẽ áp dụng thí điểm tại 5 địa phương: Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Các địa phương đi tiên phong sẽ chuẩn bị các phương án, kế hoạch để đón khách du lịch quốc tế trở lại thông qua các chương trình du lịch trọn gói. Giai đoạn hai sẽ bắt đầu từ tháng 1/2022 mở rộng thêm các địa phương khác. Giai đoạn ba mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, thời điểm phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và kết quả triển khai của hai giai đoạn trước.
Về tình trạng tái khởi động du lịch ở các địa phương chưa thống nhất, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, trong thực tế các hoạt động ứng phó với đại dịch Covid-19 mà chúng ta đang làm hiện nay là chưa có tiền lệ, mỗi một thời điểm ứng phó lại có cách làm khác nhau. Một số nơi còn dè dặt trong việc mở cửa trở lại, dẫn đến những quy định cụ thể ở từng địa phương, từng điểm đến du lịch là khác nhau, chưa có sự thông suốt giữa các địa phương, dẫn đến việc các doanh nghiệp và khách du lịch gặp khó khăn trong quá trình triển khai phục hồi tour, tuyến du lịch.
Phó Tổng cục trưởng đề nghị các địa phương cần triển khai mở cửa theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giúp ngành du lịch từng bước phục hồi. Các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt làm việc với các địa phương, điểm đến khai thông hoạt động du lịch, thích ứng với tình hình mới. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp cần sử dụng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và hệ thống đăng ký khai báo an toàn Covid-19 của Tổng cục Du lịch để đảm bảo du lịch an toàn, kết nối với hệ thống an toàn Covid quốc gia.
Về xu hướng du lịch mới, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, sau dịch bệnh hình thức du lịch đại trà, du lịch theo số đông như trước kia không còn phù hợp, ngành du lịch đang hướng đến sự phát triển bền vững với mô hình du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch gia đình đến những nơi an toàn, du lịch ít chạm, khai thác tài nguyên bền vững đang là xu hướng hiện nay.
Trung tâm Thông tin du lịch