Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế liên kết phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế là một trong những điểm sáng của cả nước về liên kết địa phương trong việc xác định tài nguyên, hình thành sản phẩm, và triển khai hoạt động xúc tiến du lịch. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm qua và đóng góp một phần rất quan trọng trong thành công chung của du lịch Việt Nam trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt năm 2019 thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh, hội thảo lần này tập trung vào 4 nội dung: Đánh giá các giá trị của sự kiện, lễ hội của 3 địa phương để khai thác tốt nhất; Lựa chọn sự kiện, lễ hội để hình thành chuỗi sự kiện công bố cho các doanh nghiệp tập trung khai thác; Vai trò của các doanh nghiệp trong việc khai thác giá trị lễ hội, sự kiện; Trao đổi kinh nghiệm của một số quốc gia, điểm đến trong việc khai thác các giá trị lễ hội, sự kiện để phát triển du lịch ở các địa phương.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Chia sẻ về du lịch MICE, ông Vũ Thế Binh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Việt Nam phát triển du lịch MICE rất nhanh, đặc biệt là sau Covid-19, hàng loạt những sự kiện rất lớn với hàng ngàn người tham gia đã thể hiện sức sống của hoạt động MICE rất mạnh mẽ. Tại khu vực miền Trung, trọng tâm là ba địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong những năm qua, du lịch MICE phát triển rất nhanh chóng và trở thành khu vực hàng đầu trong phát triển du lịch nói chung và du lịch MICE nói riêng. Sự phát triển nhanh về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cùng với sự ra đời các doanh nghiệp du lịch trẻ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và du lịch MICE nói riêng. Những sự kiện mang tầm quốc tế như là Hội nghị APEC, Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Festival Huế… đã khẳng định được khu vực miền Trung đã thực sự trở thành trung tâm MICE hàng đầu trong cả nước.
Ổng Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC
Ngày nay, du lịch MICE đã mở rộng hơn trong lĩnh vực tư vấn tổ chức hoặc tham gia một phần tổ chức các hoạt động MICE do vậy đòi hỏi các doanh nghiệp kinh doanh MICE phải nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức và đẩy mạnh các loại hoạt động từ phục vụ cho ban tổ chức cho đến những người tham gia MICE với nhiều hình thức hoạt động khác nhau. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, việc đánh giá về giá trị của lễ hội và sự kiện của miền Trung gắn liền với tài nguyên to lớn: đó là tài nguyên di sản văn hóa.
Để phát huy các giá trị của các sự kiện, đặc biệt các di sản văn hóa của khu vực thì các doanh nghiệp du lịch trong quá trình nghiên cứu khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch cố gắng hỗ trợ các vùng đất có những lễ hội hoặc những hoạt động văn hóa truyền thống mà có khả năng phát triển thành một sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, bản sắc riêng biệt của vùng miền.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức sự kiện này với sự hiện diện của các cơ quan quản lý nhà nước các ngành, các cấp, các Hiệp hội du lịch, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, là cơ hội tốt để cùng nhau đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp du lịch, trong việc nghiên cứu, xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch, các sự kiện, các lễ hội giúp kết nối 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, trong những năm qua, ngành du lịch tại Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã có sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như khu vực châu Á. Các địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận.
Để phát huy hơn nữa các lợi thế, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị 3 địa phương cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch. Và điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TITC
Phó Cục trưởng mong rằng với những nỗ lực kết nối, hợp tác du lịch của Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với các địa phương góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Đây cũng là kim chỉ nam để toàn ngành Du lịch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch trở lại vào ngày 15/3/2022, Đà Nẵng đã đăng cai sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022 (tháng 6/2022), Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023, Lễ hội Du lịch golf và hàng loạt các sự kiện khác đã góp phần tăng trưởng cho du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: TITC
Bàn về nguồn lực lễ hội truyền thống với phát triển du lịch tại 3 địa phương, Tiến sĩ Lê Xuân Thông - Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ cho rằng các địa phương nên chú trọng lợi thế sẵn có; khai thác du lịch đường thủy, cả sông và biển; xác định lễ hội hạt nhân, cần chú trọng gắn kết với nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa khác những cùng chung sắc thái văn hóa truyền thống để tạo nên chuỗi lễ hội, sự kiện, cả những sinh hóa văn hóa trong không gian địa lý rộng mở và không gian văn hóa - lịch sử đa dạng.
Các diễn giả, khách mời tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: TITC
Cũng tại hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với Bảo tàng Đà Nẵng và Câu lạc bộ du lịch MICE Việt Nam.
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: TITC
Lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Câu lạc bộ Du lịch MICE. Ảnh: TITC
Trung tâm Thông tin du lịch