Quảng Nam: Đồng bào Cơ tu làm du lịch xanh
Nói không với đồ dùng nhựa
Làng du lịch cộng đồng Tà Lang, xã Bha Lêê huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây không chỉ quyến rũ du khách với nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ tu đặc sắc, những trải nghiệm cuộc sống hoang sơ nơi núi rừng mà Ta Lang còn tạo thiện cảm bởi môi trường xanh, sạch, không có đồ nhựa, túi ni lông.
Các vật dụng phục vụ cho khách du lịch ở Ta Lang đều làm từ nguyên liệu thiên nhiên
Tại điểm du lịch cộng đồng Ta Lang theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ đồ dùng phục vụ cho du khách đều làm bằng vật liệu thiên nhiên (tre, nứa, lá rừng), không hề thấy “bóng dáng” đồ nhựa. Theo những người làm du lịch nơi đây, đồng bào Cơ Tu trước đây sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm ra nhà cửa, giường, kệ cả chiếc ly để uống nước… Khi kinh tế phát triển, đồ nhựa mới có, mới dùng. Do đó, khi vận động chủ trương “người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - Nói không với rác thải nhựa”, bà con hưởng ứng ngay và thực hiện rất tốt, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Công Khanh, ở tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, khi đặt chân tới Ta Lang, anh khá ấn tượng với cách bảo vệ môi trường của đồng bào Cơ tu nơi đây: “Người dân ở đây vẫn ở những nhà cổ xưa như những nhà bản vùng cao, những đồ dùng từ thiên nhiên. Nói chung vẫn còn giữ được nét truyền thống, không khí trong lành nên tôi cảm thấy như được hòa vào với thiên nhiên”- anh Khanh chia sẻ.
Ông A Lăng Sen, Trưởng thôn Ta Lang cho biết, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang được Viện Phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam hỗ trợ chính thức được bàn giao cho cộng đồng làng Ta Lang đưa vào khai thác và phục vụ du khách vào cuối năm 2019. Sau khi cán bộ trong thôn tham gia các lớp tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng và kỹ năng quản lý, vận hành điểm du lịch. Từ khi bắt đầu làm du lịch, bà con ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, để tạo thiện cảm với du khách ngay từ đầu, đồng thời giữ gìn cho thôn bản còn nét hoang sơ, trong lành vốn là thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây.
Đường vào Làng du lịch cộng đồng Ta Lang được giữ gìn sạch đẹp
Để du lịch bền vững
Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nếu như năm 2014, mới có 800 lượt du khách đến Tây Giang, thì năm 2019 đã có gần 20 nghìn lượt khách đến Tây Giang vui chơi, nghỉ dưỡng. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, nhà Gươl của thôn để đón tiếp các du khách, huyện Tây Giang kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống, nhất là tại các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang cũng phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Từ đó, chị em phụ nữ ở các xã, thôn chủ động xây dựng và thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường như sử dụng túi, giỏ bằng mây tre, đan, dùng lá cây rừng gói đồ ăn. Đồng thời, khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi nylon như túi giấy, túi vải, các loại giỏ bằng mây, tre...
Theo ông Linh, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục văn hóa Cơ tu. Đây được xem là hướng phát triển kinh tế bền vững nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
“Chúng tôi cũng định hướng khôi phục, tạo ra những sản phẩm truyền thống của bà con, trong đó có những sản phẩm làm ra từ dệt, thổ cẩm, từ những nguyên liệu của bà con địa phương như lâm sản từ rừng. Chúng tôi cũng phục dựng nguyên bản sản xuất của bà con như thế, để mang tính chất khôi phục giá trị văn hóa, phát triển du lịch.”- ông Linh cho hay.
Du khách thích thú trải nghiệm rừng Pơ mu “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.
Huyện Tây Giang có quần thể Pơ mu có diện tích gần 500ha, với hơn 1.400 cây, trong đó có 725 cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến hơn 1.000 tuổi vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam. Với mục tiêu “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”, bao đời qua, người dân Tây Giang luôn quyết tâm bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng Pơ mu. Hiện quần thể cây Pơ mu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn, không bị phá vỡ. Một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang là sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Tây Giang.
Lấy văn hóa làng Cơ tu làm nét chủ đạo, từ đó phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, lịch cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của làng chính là cách làm du lịch văn hóa bền vững ở Tây Giang. Và muốn thành công, chính quyền và người dân Cơ tu luôn ý thức giữ gìn môi trường, phát triển du lịch xanh bền vững, hài hòa với môi trường thiên nhiên.
Lan Anh