Quảng Nam: Gắn phát triển dược liệu với du lịch tại Nam Trà My
Những năm qua, với sự đầu tư và hướng đi đúng đắn, cây dược liệu của Nam Trà My như sâm Ngọc Linh, sa nhân, giảo cổ lam, thất diệp nhất chi hoa... dần được nhân rộng và có giá trị cao trên thị trường. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển chung cho vùng dược liệu Nam Trà My, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Khai thác thế mạnh này, thời gian qua UBND huyện tập trung xây dựng đề án “Dược liệu và du lịch” và đã được HĐND huyện thông qua, chính thức triển khai vào tháng 4.2019.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, đề án dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ dân (người trực tiếp làm du lịch) với các tổ chức hoạt động du lịch để làm du lịch ngay trên chính mảnh đất họ đang sinh sống và sản xuất.
Cụ thể, du khách đến địa phương để du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp với hoạt động xem, trồng, sử dụng và mua sản phẩm dược liệu trực tiếp tại vườn. Bên cạnh đó, đề án còn khai thác các hoạt động du lịch sinh thái từ việc tận dụng điều kiện tự nhiên của Nam Trà My, kết hợp với các hoạt động văn hóa, ẩm thực của đồng bào Xê Đăng.
“Đề án sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của huyện Nam Trà My nhằm thúc đẩy người dân phát triển đa dạng các mặt hàng nông - lâm sản phục vụ nhu cầu du khách từ các loại cây dược liệu. Bên cạnh đó, giúp địa phương khôi phục và phát triển một số nghề thủ công truyền thống, các làng nghề, các làng văn hóa... và mở ra công ăn việc làm cho lao động địa phương” - ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, trong tương lai, đề án sẽ phát triển hình thức sản xuất từ nhóm hộ, tổ hợp tác thành hợp tác xã phát triển dược liệu và du lịch nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển vùng dược liệu, các loại hình dịch vụ thu hút khách. Qua đó hạn chế đến việc phá rừng làm rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Cũng theo ông Hải, hộ, nhóm hộ tham gia phải có ít nhất 3ha cây dược liệu, hoặc 2ha quế tập trung; đồng thời đảm bảo về điều kiện lưu trú, nguồn lao động. Họ sẽ được hỗ trợ nguồn giống, hưởng cơ chế chính sách ưu tiên để phát triển dược liệu, quế và trồng rừng. Đặc biệt, đề án còn hỗ trợ để hộ, nhóm hộ cải tạo, nâng cấp nơi nghỉ ngơi tại các nhà dân như mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan phục vụ khách lưu trú.
“Mục tiêu của huyện là mỗi xã hình thành 1 - 3 mô hình phát triển cây dược liệu, trồng rừng gắn với du lịch nông thôn miền núi. Đề án đang được triển khai đồng bộ trên 10 xã và hiện có 16 hộ đăng ký tham gia. Trong thời gian tới, các hộ dân có nhu cầu đăng ký thực hiện, UBND các xã sẽ tổng hợp và gửi về UBND huyện xem xét” - ông Hải cho biết thêm.
UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các phòng ban liên quan bám sát đề án, xây dựng các phương án đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu bảo quản, chế biến dược liệu để tạo ra các loại sản phẩm đa dạng. Đồng thời phát triển hệ thống giao thông kết nối từ các trục quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến các vùng phát triển dược liệu và đầu tư các đường nội bộ, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp khách du lịch... Huyện còn hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch.