Quảng Nam: Khởi động du lịch sau dịch Covid-19
Khách trở lại Hội An
Gần 16 giờ chiều, ông Tạ Ngọc Tâm đạp xích lô ra khu vực bùng binh Chùa Cầu ngồi chờ. “Khách ít lắm nhưng ở nhà buồn nên ra đây, ai đi thì chở, mấy chục nghìn cũng được” - ông Tâm nói, rồi ngước mắt về phía đường Bạch Đằng khi thấy tốp khách trẻ đang đi bộ.
Từ sau lễ 30/4, ông Tâm bắt đầu đi làm lại, nói là làm nhưng chủ yếu ra ngồi với bạn bè tán gẫu cho vui vì khách chưa nhiều. Bữa nào may mắn thì được 1 - 2 “cuốc”, có bữa không có chuyến nào. Nếu như trước đây mỗi “cuốc” chở khách đi 25 phút giá 200 nghìn đồng, thì bây giờ cũng giá đó nhưng thời gian tăng gấp đôi lên 45 - 50 phút. Dù vậy ông Tâm vẫn vui, đôi khi ông còn mong được chở khách đi nhiều hơn để tránh cảm giác nhàn rỗi.
Sau thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ bắt đầu rục rịch trở lại. Khu chợ đêm Nguyễn Hoàng đã trở nên đông đúc; còn trên sông Hoài, những chiếc ghe đã dập dìu chào mời khách. Ông Trần Lênh - làm nghề lái đò cho biết, dù chưa nhiều nhưng phố cổ cũng đã đông khách hơn những ngày tháng 3. Thời gian này, mỗi đêm vợ chồng ông kiếm được 100 - 150 nghìn đồng, chủ yếu là khách trẻ tuổi từ các địa phương trong tỉnh và Đà Nẵng vào Hội An chơi.
Khoảng 17 giờ vợ chồng ông Lênh ra bến chào mời khách, đến 22 giờ thì về. “Trước đây giá mỗi chuyến là 100 nghìn đồng, nhưng bây giờ chỉ 50 nghìn đồng thôi. Có còn hơn không, chứ hơn 3 tháng nay nghỉ ở nhà đâu có đồng nào” - ông Lênh chia sẻ.
Trên địa bàn TP.Hội An hiện còn khoảng 700 khách nước ngoài tạm trú. Khách Việt từ hai đầu đất nước hầu như chưa nhiều. Theo lời một nhân viên shop thời trang Metiseko (đường Trần Phú), từ đầu tháng 4 đến nay, doanh thu bình quân của shop chỉ tầm 10% so với trước, khách chủ yếu là những người còn mắc kẹt tại Hội An. Metiseko cũng là một trong số ít cửa hàng trong phố cổ mở cửa lại sớm nhất sau thời gian giãn cách xã hội.
Sớm đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường
Dù nhiều nhà hàng, khách sạn lớn vẫn còn đóng cửa, nhưng một số cơ sở kinh doanh nhỏ, nhất là các quán trà, cà phê, nhà hàng… đang dần khôi phục hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Xuân - chủ quán trà Mót cho rằng, tuy khách nước ngoài cũng như khách Việt từ Hà Nội, Sài Gòn chưa đến, nhưng bù lại nhiều khách trẻ tuổi và khách gia đình đã chọn phố cổ tham quan. Kể từ khi mở cửa trở lại sau lễ, lượng khách ghé quán trà Mót chỉ đạt khoảng 30% so với trước, nhưng với ông Xuân đó là tín hiệu khởi sắc, dự báo về một tương lai tốt lành hơn.
Theo ông Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Shore Club An Bang Beach, không thể ngồi chờ có khách đông như trước mới mở cửa hoạt động trở lại, bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp. Chưa kể, tại Hội An vẫn còn nhiều khách nước ngoài có nhu cầu ăn uống, chi tiêu. Đặc biệt, mở cửa nhà hàng giai đoạn này cũng sẽ giúp ông nghiên cứu, tìm hiểu thị hiếu, tâm lý tiêu tiền của khách trong mùa dịch, từ đó giúp điều chỉnh hoạt động kinh doanh để có hướng phát triển hợp lý sau này.
Nhà hàng Shore Club có sức chứa 400 khách với 60 nhân viên phục vụ, hiện tại mỗi ngày đón khoảng 100 khách, không nhiều, nhưng đó là con số mơ ước của không ít nhà hàng trong thời điểm này. Ông Thuận dự định những ngày tới tiếp tục phát triển một số dòng sản phẩm cho người Việt như chuỗi cà phê, món ăn nhẹ với giá cả hợp lý… nhằm kéo khách sớm quay trở lại.
Trong khi các đường bay quốc tế chưa mở, học sinh đã vào học, doanh nghiệp Việt khẩn trương sản xuất kinh doanh… thì việc các nhà hàng, cà phê hoặc homestay mở cửa đón khách trở thành những gam màu sáng, lạc quan báo hiệu sự hồi sinh trở lại của du lịch Hội An, Quảng Nam hiện nay và những ngày tới./.