Quảng Ngãi: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cor
Là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Cor chiếm số lượng đông nhất và là dân tộc có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trước đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, lớp trẻ ít quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, dẫn đến phai dần các giá trị văn hóa truyền thống.
Không để mất những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, những năm gần đây, trong khuôn khổ thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor" được triển khai trên địa bàn huyện Trà Bồng đã tạo nên một luồng sinh khí mới, làm hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. Dân ca, dân nhạc, dân vũ, các lễ hội phục hồi, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; mô hình nhà sàn truyền thống đã được khôi phục.
Bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, huyện đã tổ chức khảo sát, thống kê các nhạc cụ, nghi lễ, lễ hội, sưu tầm lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Cor. Hiện nay, tại Bảo tàng truyền thống của huyện có hàng chục hình ảnh, hiện vật truyền thống được trưng bày, như cồng chiêng, trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình của đồng bào dân tộc Cor. Bên cạnh những hiện vật được tìm thấy và lưu giữ tại bảo tàng, trong nhân dân còn lưu giữ nhiều hiện vật quý là biểu tượng văn hoá của dân tộc mình.
Một điều đáng mừng là trong thời buổi hội nhập như hiện nay, nhiều hộ gia đình dân tộc Cor vẫn còn giữ lại những nhạc cụ, vật dụng, trang phục và nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện còn lưu giữ khoảng 500 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng VHTT huyện Trà Bồng cho biết: Để xây dựng lực lượng nòng cốt kế tục công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong tương lai, việc truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống luôn được chú trọng. Huyện đã chủ động mời những nghệ nhân có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, làm nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, dân vũ... Nhờ vậy, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn Bro, đàn Katak, đàn môi, sáo Talía, kèn Amáp và các làn điệu dân ca Xà ru, A giới, Cà lu, Alát, Xaru - xalía… có dịp ngân vang, lan tỏa trong cộng đồng, thấm sâu vào trong tâm khảm của thế hệ trẻ. Đến nay, nhiều nghi lễ, lễ hội đã phục hồi như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngã rạ... được phục dựng, bảo tồn và phát huy và trở thành ngày hội của cộng đồng.
Đáng chú ý là, Phòng VHTT huyện phối hợp với UBND các xã tuyên truyền vận động mỗi thôn xây dựng được một đội cồng chiêng riêng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có trên 20 đội cồng chiêng. Mỗi đội cồng chiêng được thành lập và duy trì hoạt động đã trở thanh nơi sinh hoạt văn hóa hết sức thiết thực và ý nghĩa. Đặc biệt, thông qua các ngày hội văn hóa, các hội diễn, hội thi huyện cũng lồng ghép việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó thu hút đông đảo các nghệ nhân đồng bào dân tộc Cor sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống tham gia trổ tài, góp phần làm cho đời sống tinh thần của bà con đồng bào thêm phong phú./.