Quảng Ngãi: Tinh hoa gốm Mỹ Thiện
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, gốm Mỹ Thiện vẫn bảo tồn và giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống. Đó là cách tạo hình sản phẩm trên bàn xoay dựa vào sự khéo léo, trình độ thẩm mỹ cùng kinh nghiệm của nghệ nhân. Quá trình này thường do phụ nữ đảm nhiệm. Tiếp đó là khâu đắp nổi hoa văn, họa tiết với các đề tài thường gặp là rồng, phượng, hoa lá...
Nguyên liệu chính tạo nên sản phẩm gốm Mỹ Thiện là đất sét lấy từ sông Trà Bồng, có độ mềm dẻo, chắc bền. Sau khi tạo hình, người ta phơi khô sản phẩm rồi đưa vào nung lần thứ nhất ở nhiệt độ trên 1.000oC.
Gốm Mỹ Thiện bền đẹp là nhờ quá trình nung hai lần, mỗi lần kéo dài 3 ngày 3 đêm. Sau lần nung thứ nhất, người ta tiếp tục phủ men trang trí sản phẩm và nung lần thứ hai. Đây là khâu quan trọng nhất để làm nên những sản phẩm độc đáo.
Bí quyết tạo nên chất men khác biệt nằm ở công thức được trao truyền qua nhiều thế hệ, trong đó, thành phần chủ yếu gồm một số loại đá có sẵn trong vùng được nghiền mịn, hòa với chì, đồng, vỏ ốc và các phụ gia khác. Thêm vào đó, nghệ nhân còn phải am hiểu về men và lửa để có thể sử dụng phương pháp “hỏa biến” sáng tạo nên hoa văn, họa tiết khác nhau trên từng sản phẩm. Dưới tác động của ngọn lửa, màu men sẽ chuyển từ tím sang lam rồi ngả sang sắc nâu vàng đầy tinh tế.
Giai đoạn hưng thịnh nhất của nghề gốm Mỹ Thiện kéo dài từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1964. Sau một trận lụt lớn, con lạch Bến Củi bị bồi lấp một phần khiến việc giao thương giữa làng Mỹ Thiện với các vùng khác trở nên khó khăn. Cùng với đó là sự cạnh tranh của các dòng sản phẩm khác và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng khiến thị trường bị thu hẹp. Nhiều hộ dỡ lò, bỏ nghề. Làng gốm Mỹ Thiện đứng trước nguy cơ mai một. Hiện chỉ còn một hộ gia đình bám trụ với nghề. Tuy nhiên, nhờ những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc và sản phẩm độc đáo, làng gốm Mỹ Thiện luôn là một trong những điểm đến được du khách yêu thích trong hành trình thăm Quảng Ngãi./.
Khánh Vi