Quảng Ninh: Kết nối du lịch từ Vịnh Hạ Long
Tuần Châu Express là tuyến vận chuyển hành khách đường biển bằng tàu cao tốc hiện đại đầu tiên khai thác, kết nối vùng di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Ngày 18/10, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tàu cao tốc Tuần Châu Express do Công ty CP Đầu tư Havaco đã chạy thử nghiệm tuyến Hạ Long (Quảng Ninh) - Cát Bà (TP Hải Phòng). Dự kiến ngày 15/11, tàu chính thức đi vào hoạt động. Chuyến tàu chạy hàng ngày, khởi hành từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long lúc 7 giờ 30 phút đến Vịnh Đồng Hồ (trung tâm thị trấn Cát Bà, TP Hải Phòng) lúc 8 giờ 30 phút. Sau đó, tàu đưa khách từ Vịnh Đồng Hồ đến Cảng Đồng Bài và trở về Vịnh Đồng Hồ. 15 giờ chiều cùng ngày, tàu từ Vịnh Đồng Hồ trở về Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Người dân và du khách chỉ mất khoảng 1 tiếng để đi từ Hạ Long đến trung tâm thị trấn Cát Bà với mức giá 250.000 đồng/người/lượt.
Tuần Châu Express là tuyến vận chuyển hành khách đường biển bằng tàu cao tốc hiện đại đầu tiên khai thác, kết nối vùng di sản Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đây là tàu cao tốc 2 thân có thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, sức chứa lên đến 300 khách với nhiều tiện ích giải trí. Tàu có tốc độ tối đa tới 28 hải lý/giờ, tính ổn định cao, chống ồn, chống say sóng, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, gió cấp 7.
Tuyến cao tốc giúp người dân, du khách có thêm trải nghiệm thú vị, giảm lưu lượng, áp lực cho các tuyến phà vốn rất đông đúc vào những ngày cuối tuần; đồng thời, tăng cường kết nối quần thể Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sau khi được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Theo ông Phan Văn Tùng, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Havaco, đơn vị nghiên cứu rất kỹ thị trường khách du lịch trước khi đưa tuyến cao tốc nối Hạ Long - Cát Bà vào hoạt động. Trong đó, sẽ thu hút khách quốc tế đến với Hạ Long, thông qua việc kết nối với các đơn vị lữ hành. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm du lịch sẵn có trên Vịnh Hạ Long để gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Từ chuyến tàu cao tốc nối Hạ Long - Cát Bà, chính quyền 2 địa phương cũng đang rà soát, bàn bạc về các cơ chế, chính sách để phát huy những ưu thế, khắc phục các khó khăn. Bên cạnh đó, 2 tỉnh, thành phố có những kiến nghị với Bộ VH,TT&DL cũng như Chính phủ có hành lang pháp lý để căn cứ vào đó xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, quy chế quản lý của hai bên đối với di sản liên tỉnh. Đồng thời quan tâm đến công tác quảng bá, để quảng bá du lịch, quảng bá ra thế giới về di sản với những đối tượng khách du lịch tiềm năng.
Cùng với việc mở rộng không gian du lịch Vịnh Hạ Long - Cát Bà, tỉnh Quảng Ninh còn phát triển sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn trên Vịnh Bái Tử Long, khu vực Vân Đồn, Cô Tô và một số đảo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tăng khả năng tiếp cận đa dạng các dòng khách, xây dựng thương hiệu điểm đến “Kỳ quan 4 mùa”. Theo kế hoạch, trong năm 2024, Quảng Ninh đưa vào khai thác 62 sản phẩm mới phục vụ khách du lịch. Trong đó có 11 sản phẩm khai thác lợi thế khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Điển hình như một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, đua thuyền rồng truyền thống trên Vịnh Hạ Long, du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên Vịnh Hạ Long, các sản phẩm du lịch tham quan, lưu trú kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long...
Bên cạnh đó, tuyến du lịch mới “Hành trình di sản” kết nối Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long đã được vào hoạt động, mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đây hiện là hải trình duy nhất đưa du khách chiêm ngưỡng toàn bộ những địa điểm nổi tiếng đặc trưng của Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng những khu vực hoang sơ chưa được khai thác du lịch tại Vịnh Bái Tử Long như công viên địa chất ngoài trời, rừng bán ngập mặn, làng chài cổ và ngắm các vùng san hô tự nhiên…
Ông Nguyễn Thế Huệ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, cho biết: Ngoài các tuyến điểm du lịch quen thuộc, định vị thương hiệu như Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen... thì nhiều tuyến điểm đẹp, giàu tiềm năng trên Vịnh Bái Tử Long ở các đảo, hòn đảo Cẩm Phả hay Vườn Quốc gia Bái Tử Long như rừng ngập mặn, hang Cái Đé, vụng trà Thần, bãi tắm... là nguyên liệu lý tưởng cho các sản phẩm đắt khách. Đó cũng là điều mà các đơn vị, doanh nghiệp mong mỏi, hướng tới để chung tay làm mới mình, đồng thời tạo nguồn thu, thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh.
Để sớm hình thành những sản phẩm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long, UBND huyện Vân Đồn đã tổ chức đoàn liên ngành khảo sát thực tế tuyến vận tải khách từ cảng Ao Tiên qua cửa Vành đến cảng Cô Tô và các tuyến hành trình tham quan, du lịch trên Vịnh Bái Tử Long. Đoàn khảo sát từ cảng Ao Tiên qua đảo Tây Hoi - hòn Mèo May Mắn (hòn Mèo Lười) - đảo Bản Sen - hang Nhà Trò, hang Phất Cờ - Khu nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) - Công viên Hòn - làng chài cống Lão Vọng - đảo Trà Ngọ Lớn - hòn Thiên Nga - khu Cái Đé - Điểm neo đậu nghỉ đêm Máng Hà - vụng Trà Thần (đảo Trà Ngọ lớn). Trên cơ sở khảo sát các hành trình, dự kiến có 7 điểm neo đậu tàu nghỉ đêm. Các điểm được công bố khu vực neo đậu, được đầu tư về an toàn, như: Nội quy, có phương tiện nổi để hoạt động cứu nạn cứu hộ, chăm sóc y tế, đảm bảo an ninh trật tự... Mới đây, ngày 8/10, UBND tỉnh có Quyết định số 43/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định các biện pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Việc sớm xây dựng các tuyến điểm, sản phẩm du lịch mới và các quy định quản lý trên Vịnh Bái Tử Long giúp mở rộng không gian du lịch biển đảo, tạo cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ, thú vị, độc đáo, nâng cao tính hấp dẫn của các tuyến tham quan, tạo thêm sức hút cho du lịch biển đảo Quảng Ninh.
Dương Hà