Quảng Ninh: Khánh thành chùa Quỳnh Lâm - Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều
Các đại biểu dự lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có vai trò to lớn đối với lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam, không chỉ có giá trị tinh thần đối với người dân Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung. Ngay từ sớm, di tích chùa Quỳnh Lâm đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ-VHTT, ngày 15-11-1991.
Theo sử sách ghi lại: Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Chùa tọa lạc trên sườn đồi núi Tiên Du thuộc xã Hà Lôi, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Đến thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên chùa được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.
Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa. Trong đó, người có công lớn trong việc tu tạo, mở mang phát triển chùa Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn của cả nước chính là Thiền sư Pháp Loa - Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.
Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, chùa Quỳnh Lâm đã bị hủy hoại hoàn toàn chỉ còn là phế tích; song với các di vật cổ và dấu vết kiến trúc được phát lộ qua các cuộc khảo cổ học đã giúp chúng ta hình dung dáng vóc và quy mô nguy nga, cổ kính của ngôi chùa qua các thời kỳ lịch sử.
Ngày nay, trong khuôn viên của chùa Quỳnh Lâm chỉ còn lại một số công trình như: tháp mộ, bia đá, các thành bậc rồng bằng đá xanh, hàng trăm tảng đá kê chân cột, bệ đá chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, khánh đá, chuông đồng, đồ gốm trang trí kiến trúc, đồ sành sứ các loại của các thời đại... Tại khuôn viên của chùa, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc đồ sộ, lớn nhất là kiến trúc chùa ở thời Hậu Lê. Tất cả đều thể hiện sự khéo léo, tài hoa của cha ông ta và chứng minh sự tồn tại các công trình kiến trúc quy mô của chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử.
Với những giá trị khoa học, lịch sử quan trọng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp UBND thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm với tổng kinh phí dự án hơn 163,5 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa.
Dự án được thực hiện với mục tiêu triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều; nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học của di tích; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Dự án bao gồm các hạng mục: Kiến trúc trung tâm bao gồm Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và hành lang với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; Tam quan diện tích xây dựng 95m2; Nhà bia diện tích 31m2; Nhà trưng bày diện tích 120 m2; các công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Ngày 9-6-2016, chùa Quỳnh lâm chính thức được động thổ, khởi công tu bổ tôn tạo, là việc làm mang ý nghĩa rất lớn và giá trị nhân văn sâu sắc hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần khôi phục lại diện mạo chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần. Chắc chắn, trong thời gian không xa, nhân dân và du khách thập phương đến thăm quan sẽ phần nào tìm lại bóng dáng một Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong lịch sử.
Sau hơn bốn năm triển khai thi công đầu tư tu bổ, tôn tạo, đến nay các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư đến nay khoảng 70 tỷ đồng. Trong đó, có các hạng mục công trình: các tòa tiền điện, trung điện, thượng điện, sân vườn, vườn tháp với kinh phí hơn 60 tỷ đồng; Hệ thống nội thất tượng pháp, hoành phi, câu đối, cửa võng, ban thờ, đồ thờ… cùng khu vực bãi xe, sân hội, công trình phụ trợ, trồng cây xanh tạo cảnh quan đồng, đặc biệt là pho tượng ngọc Thích Ca Mâu Ni được tập đoàn Vingroup cung tiến vào tòa thượng điện.