Quảng Ninh: Tài nguyên cho phát triển du lịch
Trình diễn thêu họa tiết trong Ngày hội Kiêng gió xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu năm 2024.
Mỗi dân tộc thiểu số đều có những lễ hội truyền thống riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Với các lễ hội nói chung hay lễ hội mùa xuân nói riêng, ý nghĩa chủ đạo vẫn là cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Lễ vật được bày biện, dâng cúng trong lễ hội cũng không cầu kỳ mà thường là những sản vật do bà con tự sản xuất được như: Thịt gà, thịt lợn, thịt vịt, cá, lúa, ngô, măng, các loại bánh truyền thống… Trong những ngày lễ hội, người dân thường lựa chọn các bộ trang phục dân tộc đẹp nhất cùng nhau tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian. Mỗi dịp lễ hội đã làm cho không khí các thôn, bản rộn ràng, vui tươi, tăng cường gắn kết cộng đồng không ngừng khơi dậy ở mỗi người dân ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa quý báu.
Tiên Yên là vùng đất với nền văn hóa lâu đời và phong phú, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chỉ, Hoa, Thái, Cao Lan... Trong những năm qua, huyện Tiên Yên đã dành nhiều nguồn lực không ngừng phát huy những giá trị văn hóa nói chung và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng. Huyện xác định đây là nguồn lực nội sinh góp phần xây dựng địa phương sớm trở thành Trung tâm Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, đồng thời là động lực thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
Múa Hành quang của người Sán Dìu tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, cho biết: Cùng với công tác bảo tồn nói chung, thông qua các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa, huyện Tiên Yên đang phát huy mạnh mẽ, hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương, như: Âm nhạc, trang phục, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc… Thời gian tới, Tiên Yên tiếp tục đầu tư nâng tầm quy mô và chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, khôi phục, gìn giữ các nghi lễ đặc trưng như: Lảu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan… Từ đây, phát triển thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, riêng có, vừa góp phần làm tốt hơn công tác bảo tồn văn hóa vừa không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Không riêng Tiên Yên, những năm gần đây, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn chú trọng tổ chức, phát triển thêm các lễ hội, ngày hội mới dựa trên tập quán canh tác, sản xuất nông nghiệp của bà con. Từ đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của bà con dân tộc thiểu số mà còn khai thác dấu ấn văn hóa đặc sắc của đồng bào trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Tiêu biểu có thể kể đến như: Hội Mùa vàng, Hội hoa Sở (Bình Liêu); Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ; Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu (Tiên Yên); Ngày hội văn hóa dân tộc Tày (Ba Chẽ); Lễ hội hoa Sim biên giới (Móng Cái)…
Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên) trình diễn hát Soóng cọ tại Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ Đại Dực năm 2024.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2024, Quảng Ninh đã có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: Tục Kiêng gió của người Dao xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái, huyện Vân Đồn, huyện Ba Chẽ, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Đầm Hà, huyện Hải Hà và Lễ mừng cơm mới của người Tày TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Đông Triều, huyện Bình Liêu, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà.
Nhằm tiếp tục khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các lễ hội truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, xác định việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch là một trong số các n
Đồng bào dân tộc Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái) giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến du khách tại Lễ hội Hoa sim biên giới 2024.
Các lễ hội truyền thống đã và đang tô đậm thêm bức tranh văn hoá đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh trong dòng chảy văn hóa hiện đại. Qua đó, không chỉ góp phần làm giàu thêm bản sắc, văn hóa con người Quảng Ninh mà còn là nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch và thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Duy Khoa