Non nước Việt Nam

Ruốc chân dài nấu chua cay

Cập nhật: 20/12/2022 15:16:37
Số lần đọc: 475
Quảng Ninh có vô vàn những loại hải sản tươi ngon, trong đó có một loại sản vật với cái tên khá lạ lùng là ruốc chân dài. Từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm là mùa của ruốc chân dài. Lúc này, thịt ruốc trắng, thơm ngon và ruốc vào mùa đẻ trứng hay còn gọi là ruốc cơm xôi. Để chế biến và thưởng thức đúng chuẩn món ăn này có thể về Quảng Yên, vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi để các loại hải sản sinh trưởng và phát triển tốt.

Ruốc thực chất là một loài thuộc họ bạch tuộc, tuy nhiên kích thước của chúng lại nhỏ hơn rất nhiều, trung bình chỉ to hơn ngón chân cái một chút. Con ruốc thường đào lỗ sống dưới bùn nơi bãi vẹt, bãi sú, chỉ sống quanh quẩn nơi miệng lỗ nên chúng được gọi là ruốc lỗ. Tuy là có một thân hình khá mi nhon nhưng ruốc lại sở hữu những cái chân dài miên man, các xúc tu có thể dài đến tận 20cm. Chính vì thế mà ruốc trở thành “hoa hậu” trong làng sinh vật biển nhờ cái tên hết sức đáng yêu mà người dân địa phương đặt cho: “Ruốc chân dài”.

Ruốc chân dài ngon, béo ngậy, nhiều cơm xôi tập trung vào tháng 9, 10 Âm lịch hàng năm.

Thời điểm tháng 9, tháng 10 Âm lịch, ruốc đẻ trứng sẽ rất béo và có nhiều cơm xôi, ăn vô cùng ngậy và thơm. Thêm vào đó, nước biển Quảng Ninh có độ mặn vừa phải nên ruốc ở đây ăn cũng ngon hơn hẳn so với những nơi khác. Ruốc tươi có màu xanh ánh xám, thân nhiều nhớt, các xúc tu đều nhau, cử động linh hoạt, bám chặt vào thành chậu. Khi chín, chúng sẽ chuyển sang màu hồng bắt mắt, còn những xúc tu sẽ xoăn lại khiến chúng giống như một bông hoa mới nở.

Muốn chế biến được món ruốc nấu chua ngon thì trước hết nên sử dụng muối biển chà xát nhẹ nhàng vào mình con ruốc, muối biển sẽ giúp loại bỏ được hết chất nhờn đồng thời làm tăng độ giòn cho ruốc, giúp món ăn ngon hơn. Các gia vị để nấu món ruốc chua cay bao gồm lá mũn, khế, chuối xanh, ớt, me, mì chính, muối.

Quả sấu, quả me, tai chua hoặc quả bứa rừng... đây là thứ nguyên liệu dân gian thường sử dụng để nêm thêm vị chua cho các món hải sản, như: Mực, ruốc luộc hoặc nấu canh gà. Tuy nhiên, nhắc tới lá mũn (hay nhiều nơi gọi lá chùn mũn) thì hẳn là nhiều người chưa biết. Cây lá mũn thuộc họ dây leo, kết thành từng chùm trên mặt đất. Lá mũn nhỏ, bề mặt láng mịn, nếm thử có vị chát, chua tự nhiên. Là loại cây thường xanh quanh năm, cây lá mũn chủ yếu mọc trên rừng hoặc các sườn đồi. Tuy nhiên, hiện nay loài cây này hiếm, khá khó tìm. Chính vì thế, để chế biến món ăn này ngon đúng điệu phải dày công tìm kiếm loại nguyên liệu này.

Lá mũn, loại cây không chỉ tạo gia vị chua thanh trong nấu ăn mà còn có công dụng chữa bệnh giun sán.

Trước hết, ta đun sôi một nồi nước, có một lưu ý nho nhỏ là khi nấu ruốc ta nên sử dụng lượng nước nhiều hơn so với các loại hải sản khác, vì ruốc phải chìm hoàn toàn trong nước thì màu của chúng mới lên đều và đẹp được. Sau khi nước sôi, ta sẽ lần lượt cho gia vị và các loại lá vào để tạo nên một nồi nước dùng đậm đà, có đủ vị và hương. Đợi nước sôi lại, ta nhẹ nhàng thả ruốc vào và chỉ sau một vài phút là ruốc đã chín.

Ruốc nấu chua cay cùng lá mũn, món ăn gây thương nhớ đối với nhiều thực khách khi đến với Quảng Yên

Món ruốc nấu chua nhất định sẽ đánh thức vị giác của bạn ngay từ những giây phút đầu tiên. Đó là hương vị mặn mòi của biển cả, một chút thơm nồng khế chua, me, một chút hăng của ớt và không thể không nhận ra cái vị chua thanh của lá mũn. Những con ruốc đều nhau, mang một màu hồng bắt mắt, các xúc tu của chúng xoăn lại như những bông hoa. Ruốc nấu chua ngon nhất là khi ăn kèm với mắm tôm chanh ớt đánh sủi bọt, mắm tôm sẽ như một điểm nhấn khiến món ăn này càng trở nên hoàn hảo hơn. Nếu bạn không ăn được mắm tôm thì có thể lựa chọn nước mắm gừng để thay thế, nó cũng khá hợp với món ăn này.

Hồng Phương

 

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Ngày 18/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT