Tin tức - Sự kiện

Số hóa văn hóa nghệ thuật – Khi công nghệ chắp cánh cho trải nghiệm

Cập nhật: 27/05/2021 13:49:53
Số lần đọc: 1031
Ở nước ta, số hóa cũng đã có những nền tảng ban đầu, hứa hẹn đem đến những thay đổi rõ ràng hơn trong tương lai. Sau những bước tiên phong, tích hợp số hóa liệu có trở thành tất yếu đối với việc thực hành và thưởng thức nghệ thuật?


Triển lãm số “Lặng yên rực rỡ”

Qua hai kì phóng sự “Lợi ích thực từ công nghệ ảo”, chúng ta đã có hình dung ít nhiều về xu hướng số hóa đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ở nước ta, số hóa cũng đã có những nền tảng ban đầu, hứa hẹn đem đến những thay đổi rõ ràng hơn trong tương lai. Sau những bước tiên phong, tích hợp số hóa liệu có trở thành tất yếu đối với việc thực hành và thưởng thức nghệ thuật?

Rút ngắn khoảng cách

Không cần tới nước Pháp xa xôi, bạn vẫn có thể ngắm nhìn những bức họa của Claude Monet và Pierre Bonnard trong triển lãm số “Lặng yên rực rỡ” của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Dạo bước trong thế giới nghệ thuật, liên tục chụp các bức ảnh selfie, đồng thời có thể tìm hiểu thông tin của bức họa nổi tiếng… những yếu tố này đã trở thành điểm cộng cho triển lãm, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Mặc dù “Lặng yên rực rỡ” chưa khai thác triệt để thế mạnh của số hóa nhưng theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, từ những nền tảng ban đầu, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào sự kết hợp ở mức độ cao hơn giữa công nghệ và nghệ thuật trong tương lai: “Nghệ thuật trong thời đại kĩ thuật số thì số hóa và lưu trữ trên phương diện số là không thể tránh khỏi, thậm chí nó còn ảnh hưởng tới thị trường nghệ thuật, có thể biến tác phẩm thành một dạng đầu tư như một dạng bitcoin, crypto. Nhiều bảo tàng ở Paris, mặc dù có sẵn những tác phẩm của các bậc danh họa nhưng họ vẫn làm những show về số. Ở Việt Nam, VCCA là một trung tâm nghệ thuật hàng đầu, có điều kiện về cơ sở vật chất và kĩ thuật. Hi vọng trong tương lai, trung tâm có thể tổ chức nhiều triển lãm tận dụng hơn nữa côn nghệ kĩ thuật số.”

Cũng cần phải hiểu rằng mặc dù số hóa trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, xu hướng này ở nước ta dường như vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Ở góc độ lưu trữ, cũng theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, việc số hóa lịch sử nghệ thuật Việt Nam lại không nằm ở các bảo tàng, các gallery trong nước mà phần lớn lại ở các trung tâm nghệ thuật quan trọng trong khu vực như Bảo tàng Singapore hoặc Kho Lưu trữ nghệ thuật châu Á ở Hong Kong.

Ở khía cạnh thực hành nghệ thuật, con đường cũng không kém phần gian nan khi việc tích hợp số hóa với tác phẩm nghệ thuật chưa hề được giảng dạy chính thức tại các trường đại học mỹ thuật lớn. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, một trong những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật đương đại nước nhà, bộc bạch: “Tôi cảm thấy cần phải tích hợp những phương thức cũng như cách nhìn nhận mới trong việc sáng tác nghệ thuật. Đây là điều tương đối thiệt thòi trong chương trình giáo dục nghệ thuật cũng còn khá là lạc hậu ở Việt Nam, chưa bắt kịp với những thay đổi của thế giới. Chính vì thế nên các bạn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học mỹ thuật chuyên ngành ở Việt Nam cũng phải tự trang bị bằng cách học ở các chương trình khác.”

Mở rộng trải nghiệm

Thiếu sự đào tạo chính quy là một trở ngại. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là một yếu tố thúc đẩy sự chủ động của người thực hành nghệ thuật. Trên thực tế, cũng có nhiều họa sĩ trẻ đã tự trang bị kiến thức về công nghệ thông qua các khóa học cả offline lẫn online. Các triển lãm do giới trẻ thực hiện ngày một chỉn chu về khâu truyền thông. Họ chuẩn bị trailer, lập fanpage, website để quảng bá, lưu giữ hình ảnh của tác phẩm cũng như của triển lãm. Trong triển lãm “Tầng hai giữa hai tầng” của nhóm 8 nghệ sĩ trẻ, chúng ta còn có thể tiếp cận với chuỗi tác phẩm “Nàng thơ” của họa sĩ Phạm Khắc Thắng. Không chỉ khắc họa vẻ đẹp của phái nữ bằng chất liệu sơn mài, những bức tranh này còn được tích hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), giúp khách tham quan có thể nhìn thấy tác phẩm ở trạng thái động.

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát trở lại, một loạt sự kiện văn hóa nghệ thuật bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn. Chuyển từ offline sang online dường như đã trở thành lựa chọn duy nhất của nhiều người, trong đó có nhóm thực hiện dự án “Mắt Xẩm”. Được xây dựng dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh thông qua Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam 2018-2021, “Mắt Xẩm” là chuỗi sự kiện trải nghiệm đa giác quan về Xẩm, bao gồm triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc thể nghiệm và tọa đàm chuyên môn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, giai đoạn đầu của dự án đã buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Theo bạn Nguyễn Hoàng Hiệp, thành viên của dự án “Mắt Xẩm”, đây là một trở ngại nhưng đồng thời đem đến nhiều lợi ích. Bên cạnh với việc thích nghi một cách linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh, hình thức online giúp các tọa đàm chuyên môn có thêm “sóng” để các nghệ sĩ chia sẻ nhiều hơn về tác phẩm của mình – điều khó lòng gói gọn trong một thông cáo báo chí hoặc những bài giới thiệu truyền thông.

Không thể phủ nhận được hiệu quả của số hóa đối với lưu trữ, bảo tồn dữ liệu văn hóa nghệ thuật, nhưng trong một địa hạt đề cao tương tác trực tiếp, số hóa cũng có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận công nghệ như một tác nhân trong thời đại 4.0, một “thành viên” trong cuộc chạy đường dài của nhân loại. Công nghệ không hề mâu thuẫn với văn hóa nghệ thuật. Online không “đối đầu” với offline, mà là sự hỗ trợ, sự nối dài.

Thậm chí, sự kết hợp giữa hai hình thức này còn có thể nâng tầm trải nghiệm, giúp chúng ta vượt qua những hạn chế của bối cảnh dịch bệnh, sự tàn phá của thời gian cũng như những rào cản địa lí. Dĩ nhiên, ở nước ta, số hóa văn hóa nghệ thuật vẫn là một chặng đường dài khi công nghệ còn chưa phát triển, nhưng với những nền tảng ban đầu, với sự sáng tạo của những người thực hành nghệ thuật, đặc biệt là người trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào những bước tiến xa hơn trong tương lai./.

Nguyễn Hà/VOV6

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT