Tin tức - Sự kiện

Sự hòa quyện giữa lễ hội và du lịch tạo dấu ấn mạnh mẽ thu hút và thúc đẩy lượng khách du lịch

Cập nhật: 23/02/2024 14:54:36
Số lần đọc: 688
(TITC) - Đón chào năm mới 2024, các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân diễn ra tưng bừng, sôi động trên khắp cả nước. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm nay, các hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch diễn ra sôi nổi, rộng khắp và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cho biết, các lễ hội cần phát huy được các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt cần tập trung thu hút và tăng lượng khách để đóng góp tích cực vào kết quả kinh tế.

“Đến thời điểm này, các lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức sôi nổi, rộng khắp và đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là lễ hội không có sự biến tướng, lợi dụng lễ hội để kinh doanh và không trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về lĩnh vực du lịch, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, lượng khách du lịch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cả nước đón và phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa, công suất phòng trung bình ước đạt từ 45 - 50%. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng so với cùng kỳ nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách, nỗ lực của doanh nghiệp và địa phương. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các đầu tàu lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bình Thuận, Huế, Hội An, lượng khách quốc tế đến rất nhiều và bạn bè quốc tế thích được khám phá về sản phẩm văn hóa, du lịch của Việt Nam. Nhìn vào đó thấy được, đất nước Việt Nam đã đổi mới, điểm đến thân thiện, an toàn, sản phẩm du lịch đặc sắc. Năm nay, sự hòa quyện giữa lễ hội và du lịch được kết hợp một cách hài hòa, chặt chẽ. Trong 07 ngày Tết, nhiều địa phương đã tổ chức 07 chương trình và mỗi chương trình có một dấu ấn riêng để thu hút khách. Nhiều địa phương đã tiếp cận được với tinh thần của công nghiệp văn hóa như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc, nhiều lễ hội truyền thống độc đáo được diễn ra trên mọi miền Tổ quốc đã cho thấy ý thức lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc của các ngành, các địa phương và mỗi người dân Việt Nam. Việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc cũng chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và khám phá những vùng đất cũng như giá trị văn hóa, lễ hội và con người Việt Nam. Sự kết hợp giữa văn hóa và du lịch được kỳ vọng sẽ là bệ phóng cho ngành du lịch đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 22/02/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT