Tin tức - Sự kiện

Tăng cường liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mở rộng

Cập nhật: 18/04/2024 10:49:06
Số lần đọc: 493
(TITC) - Ngày 17/4/2024 tại Bắc Giang, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mở rộng. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự và chủ trì hội nghị.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi khẳng định: "Bắc Giang và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng là thị trường du lịch đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển, mở rộng thị trường khách của du lịch Thanh Hóa. Tại hội nghị lần này, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư, đối tác, doanh nghiệp du lịch của tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng gặp gỡ, liên kết, hợp tác, nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch hoàn chỉnh với chất lượng cao, giá thành phù hợp, xây dựng gói kích cầu du lịch nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Thanh Hóa đã và đang tiếp tục chú trọng hoàn thiện các sản phẩm du lịch hiện có; đồng thời không ngừng bổ sung các sản phẩm mới, dịch vụ chất lượng cao. Đơn cử như trong tháng 4 và tháng 5/2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ khánh thành Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn; Tập đoàn Sun Group khánh thành và đưa vào khai thác Công viên Sun World Sầm Sơn; Tập đoàn Flamingo khai trương và đưa vào vận hành tổ hợp dự án Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa), hứa hẹn là điểm check in, ăn uống - vui chơi - sức khỏe và lễ hội sôi động, hấp dẫn bậc nhất tại khu vực phía Bắc. Cùng với đó là 145 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn đã, đang và sẽ tiếp tục được tổ chức trong suốt năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh: “Với tiềm năng phát triển du lịch và lợi thế thuận lợi về hệ thống giao thông của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa, việc hợp tác chặt chẽ, bài bản trong phát triển du lịch là rất cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, thông qua hội nghị này các tỉnh, thành sẽ ngày càng gắn kết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó góp phần tạo nên bức tranh du lịch với nhiều màu sắc, điểm nhấn, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh, thành phố”.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là một số sản phẩm, điểm đến mới chuẩn bị đưa vào phục vụ khách trong hè 2024 như: Công viên SunWorld, Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa); Khu resort Hi_King Lake (Thọ Xuân). Trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả mà du lịch tỉnh Thanh Hóa đạt được trong những năm gần đây. Đồng thời nêu bật những tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy liên kết như: đa dạng sản phẩm du lịch, hệ thống giao thông thuận lợi... Tuy nhiên, để hợp tác đi vào chiều sâu, một số ý kiến cho rằng tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng cần nghiên cứu phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng; nâng cao chất lượng dịch vụ; thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với lữ hành nhằm tạo giá cả cạnh tranh...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo báo cáo của du lịch Thanh Hóa, 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hóa ước đạt 4.843.600 lượt, tăng 14% so với cùng kỳ 2023, trong đó khách quốc tế đạt 58.000 lượt khách; tổng thu du lịch ước đạt 7.338,5 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Về hoạt động xúc tiến quảng bá, trong thời gian vừa qua du lịch Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên các nền tảng số, mạng xã hội; tham gia Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - "Một hành trình nhiều trải nghiệm" bên lề hội chợ VITM - Hà Nội"...

Trong thời gian tới, du lịch Thanh Hóa sẽ triển khai hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch trên nền tảng số của các cảng hàng không, trên các kênh truyền hình quốc tế như CNN, đồng thời tổ chức đón đoàn farmtrip các tỉnh Đông Nam Bộ đến khảo sát tại Thanh Hóa. Xây dựng Nghị quyết ban hành Chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2025 - 2030…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cơ bản nhất trí với các báo cáo của địa phương, ý kiến trao đổi của các đại biểu, đồng thời ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của du lịch Thanh Hóa và các địa phương Đồng bằng sông Hồng mở rộng cũng như hiệu quả của việc liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành du lịch cả nước.

Cục trưởng nhấn mạnh, trước áp lực cạnh tranh về du lịch trong khu vực và quốc tế ngày càng tăng, liên kết hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch là yêu cầu tất yếu. Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa và khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả tương xứng với nguồn lực sẵn có, phù hợp với định hướng của ngành du lịch, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương cần tập trung một số nội dung:

Một là, trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch nội địa đang đến gần, liên kết giữa Thanh Hóa và khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng cần tập trung nghiên cứu, triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực hưởng ứng chiến dịch "Người Việt du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" đang được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng triển khai tại các địa phương.

Triển khai các gói liên kết kích cầu du lịch nội địa có ưu đãi, ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau và cam kết về chất lượng, gia tăng trải nghiệm của khách du lịch. Vận động các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng hành động để có những chương trình, sản phẩm, combo du lịch khuyến mại cụ thể, hấp dẫn, những sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa phương tiện giao thông, mở ra cơ hội cho điểm đến mới và kết nối các thành phố trung tâm đến những điểm đến vệ tinh.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương, hiệp hội du lịch, các hãng hàng không, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, ban tổ chức các lễ hội lớn, các nền tảng booking trực tuyến, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch về các biện pháp cụ thể để người Việt có thể đi du lịch trong nước với chi phí hợp lý.

Hai là, phối hợp thực hiện các hoạt động xúc tiến điểm đến, từng bước cùng với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham gia quảng bá, xúc tiến tại nước ngoài để thu hút khách quốc tế. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam khuyến khích các địa phương cung cấp thông tin, hình ảnh về các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, các chương trình/mô hình phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường - xã hội để đưa vào nội dung quảng bá, truyền thông tại các sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch do Bộ VHTTDL chủ trì ở nước ngoài.

Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và các tỉnh, thành ĐBSH mở rộng ký kết hợp tác phát triển du lịch. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Ba là, khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với từng nhóm đối tượng khách; tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Lựa chọn sản phẩm để các địa phương có thể mở rộng liên kết góp phần nâng giá trị tour du lịch và hấp dẫn du khách; tìm ra thông điệp phù hợp trong mỗi hành trình liên kết. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hoá khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để liên kết đi vào chiều sâu. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch… hướng đến thu hút đa dạng thị trường khách, trong đó có khách quốc tế.

Bốn là, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn, phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch sáng tạo đổi mới, chất lượng cao, tích hợp nhiều tiện ích, trải nghiệm thú vị hơn cho du khách, làm cho du lịch Thanh Hóa và khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng ngày càng hấp dẫn. Triển khai thực hiện có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết.

Năm là, hợp tác chặt chẽ trong việc thông tin về chính sách phát triển du lịch, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, tạo thương hiệu cho điểm đến, đưa khách đến địa phương, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng; bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng sẽ gặt hái được những thành quả vượt bậc, tạo hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương khác trên cả nước, góp phần từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 17/4/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT