Tạo điều kiện thuận lợi về thị thực: Động lực thúc đẩy phát triển du lịch
Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn
Tại Đông Nam Á, để tăng khả năng cạnh tranh, tạo thuận tiện cho khách du lịch và thu hút các dòng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đã từng bước mở rộng chính sách miễn thị thực nhập cảnh, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng cấp thị thực qua mạng, tại cửa khẩu như: Xin-ga-po miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; Ma-lay-xi-a miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 155 quốc gia và vùng lãnh thổ; Thái Lan áp dụng miễn thị thực cho công dân của 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu.
Mới đây nhất, ngày 11/6/2015, In-đô-nê-xi-a ban hành quy định miễn thị thực cho khách du lịch đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ với thời hạn lưu trú tại In-đô-nê-xi-a không quá 30 ngày, nhằm nỗ lực thúc đẩy phát triển du lịch và tăng cường quan hệ ngoại giao với những quốc gia này. Theo đó, In-đô-nê-xi-a miễn thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Xin-ga-po, Thái Lan, Mi-an-ma, Bru-nây, Ma-lay-xi-a, Căm-pu-chia, Việt Nam, Lào, Phi-líp-pin, Chi-lê, Mô-rô-cô, Pê-ru, Ê-cu-a-đo, Hồng Kông, Ma-cao, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ca-na-đa, Niu Di-lân, Mê-hi-cô, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Đan mạch, Na Uy, Phần Lan, Ba Lan, Hung-ga-ri, Cộng hòa Séc, Ca-ta, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Cô-oét, Ba-ranh, Ô-man và Nam Phi.
Theo quy định này, công dân của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ trên được miễn thị thực khi nhập cảnh tại 5 cảng hàng không quốc tế: Soekarno-Hatta ở Jakarta, Ngurah Rai ở Bali, Kuala Namu ở Medan, Juanda ở Surabaya và Hang Nadim ở Batam; và 4 cảng biển: Sri Bintan và Tanjung Uban (đảo Bintan), Sekupang và Batam Cente (Batam).
Trong năm 2014, In-đô-nê-xi-a đã đón hơn 9,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,2% so với năm 2013. Theo Bộ trưởng Du lịch In-đô-nê-xi-a Arief Yahya, mở rộng chính sách miễn thị thực dự kiến giúp In-đô-nê-xi-a đạt mục tiêu thu hút 10 triệu khách quốc tế trong năm 2015 và thúc đẩy doanh thu quốc gia từ các lĩnh vực dịch vụ du lịch. Jakarta đặt mục tiêu thu hút 20 triệu khách quốc tế vào năm 2019.
Hiện nay, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân 7 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch) với thời gian lưu trú không quá 15 ngày và miễn thị thực song phương cho 9 nước ASEAN với thời gian lưu trú không quá 30 ngày (trừ Phi-líp-pin không quá 21 ngày; Bru-nây và Mi-an-ma không quá 14 ngày). Mới đây nhất, ngày 01/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hoà Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, có hiệu lực trong vòng 05 năm kể từ ngày 01/7/2015. Đặc biệt, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2015, Chính phủ thống nhất chủ trương mở rộng diện các quốc gia miễn thị thực đơn phương có thời hạn theo đúng quy định của pháp luật để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, tăng cường cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử. Đây là một trong những giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 09/6/2015 tại Hà Nội, Ông Ken Atkinson - đại diện Nhóm Công tác Du lịch cho biết Nhóm Công tác Du lịch ủng hộ việc miễn thị thực cho các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Số lượng khách du lịch tới Việt Nam từ những quốc gia này hiện chiếm tới 1,6 triệu lượt mỗi năm. Việc mở rộng miễn thị thực sẽ làm gia tăng khoảng 10% số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (tăng khoảng 160.000 lượt khách du lịch tới từ các quốc gia kể trên). Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD, tổng chi tiêu tại Việt Nam của số khách tăng thêm này sẽ đạt khoảng 200 triệu USD.
Mở rộng chính sách miễn thị thực không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch mà còn góp phần nâng cao mức tăng trưởng kinh tế - xã hội. Sự gia tăng số lượng khách quốc tế sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí thị thực. Đồng thời, chi tiêu của khách du lịch quốc tế sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân và các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, cũng như góp phần đẩy mạnh nhu cầu về các sản phẩm phụ trợ như vận tải, ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ…, tạo việc làm và các lợi ích xã hội cho cộng đồng.
Qua bài học thực tiễn miễn thị thực cho khách du lịch của các nước trong khu vực cũng như kết quả khả quan đạt được khi áp dụng miễn thị thực đối với một số thị trường khách tại Việt Nam trong những năm qua, mở rộng chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ những thị trường trọng điểm, chiến lược và các nước đối tác toàn diện của Việt Nam có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài và chi tiêu cao hơn được phê duyệt sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), khách du lịch coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến thay thế. Báo cáo này khuyến nghị các nước mở rộng các điều kiện thuận lợi về thị thực và chuyển sang hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu. Điều này có thể giúp các quốc gia ASEAN thu hút thêm 6 - 10 triệu khách du lịch quốc tế cho đến năm 2016. Số lượng khách gia tăng này có thể mang lại 7 - 12 tỷ USD từ các khoản thu bổ sung và tạo ra 333.000 - 654.000 việc làm mới đến năm 2016. |
Hồng Nhung