Hoạt động của ngành

Tây Ninh - nơi lý tưởng cho du lịch cuối tuần

Cập nhật: 14/03/2019 15:07:45
Số lần đọc: 1065
Trên đường từ TP.HCM tới Tây Ninh, du khách có thể ghé thưởng thức các món ăn đặc sản trước khi thăm tòa thánh, núi Bà Đen và lưu lại để hôm sau tiếp tục tới các địa điểm khác.

Từ trung tâm TP.HCM tới TP Tây Ninh khoảng 100 km, di chuyển theo quốc lộ 22 từ sáng sớm, du khách có thể dừng lại thị trấn Trảng Bàng, nơi có hàng trăm lò chuyên sản xuất loại bánh tráng phơi sương.

Để cho ra lò món bánh ngon, khâu quan trọng nhất là chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh phải mới, thơm và không pha trộn. Để tạo vị mặn vừa phải, người ta cho thêm chút muối trong quá trình làm.

Sau khi tráng, người làm phơi bánh ngoài nắng cho khô trước khi tới công đoạn nướng. Đây là giai đoạn đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề. Bánh nướng đòi hỏi sự đều tay, vừa phải, tức không chín hay non quá. Khi bề mặt chính bổi những hạt bong bóng nhỏ, ngả sang màu đục là đạt yêu cầu. Tiếp đến, bánh được phơi sương trong đêm hoặc tờ mờ sáng để thấm hút nước sương.

Do mềm xốp và hơi ẩm vì sương nên bánh sau khi xuất xưởng phải dùng ngay trong khoảng 1 tuần. Bánh tráng phơi sương là đặc sản của huyện Trảng Bàng. Với khuôn tròn cơ bản, bánh có vị mặn, hơi dẻo, màu trắng đục có thể sử dụng trực tiếp không cần nướng giòn.

Cách làng tráng bánh không xa là những vườn rau rừng được trồng xanh mướt. Do rau ngoài tự nhiên không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, nông dân Trảng Bàng trồng hàng chục loại rau rừng ngay tại vườn của mình.

Các loại rau rừng dùng để ăn với bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo, bánh canh Trảng Bàng như rau mặt trăng, lá cách, lá lụa, lá cóc, bứa rừng, đọt chiết, rau nhái, quế vị, trâm sắn, bằng lăng, bứa sông, lá vừng...

Những luống rau quế vị ưa nước được bơm từ dưới đất lên, chảy vào theo hệ thống sạch trong vắt, không gian vườn rau mát lành.

Sau khi tham quan các hộ gia đình làm bánh tráng phơi sương, trồng rau rừng, du khách có thể lựa chọn một số nhà hàng nổi tiếng để thưởng thức những đặc sản này. Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo và bánh canh Trảng Bàng ăn kèm rau rừng, các loại rau thơm là món ăn nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến nơi đây.

Ngoài các nguyên liệu chính là bánh tráng phơi sương, thịt heo, các loại rau rừng, thành phần tạo nên món ăn trứ danh Tây Ninh còn có giá đậu, dưa leo, hành muối... Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh món đặc sản này đều có những bí quyết riêng để thu hút du khách.

Miếng cuốn bên ngoài dẻo mềm của bánh tráng phơi sương, đậm đà hương vị với béo ngậy thơm của thịt heo, vị chua chát của các loại rau hòa cùng chút chua ngọt đậm đà của mắm nêm.

Địa danh Trảng Bàng gắn với nhiều đặc sản ngon trong ẩm thực Tây Ninh. Trong đó, tô bánh canh đã làm nên thương hiệu riêng cho vùng đất này. Để có sợi bánh canh trắng, dai thơm, người ta phải làm từ loại gạo nàng thơm đặc biệt vùng chợ Đào. Gạo sau khi ngâm xay, hấp chín, cho ra lò những sợi bánh trắng ngần. Tô bánh canh nổi bật với thịt, giò heo, tiết, hòa trong hương vị thanh mát đậm đà của nước lèo.

Từ thị trấn Trảng Bàng di chuyển khoảng 50 km sẽ về tới TP Tây Ninh, nơi đây có công trình kiến trúc tôn giáo Tòa thánh Tây Ninh nổi bật trong khuôn viên với nét kiến trúc riêng. Khuôn viên tòa thánh rộng rãi với đền thờ Phật mẫu, vườn cây cảnh, rừng thiên nhiên.

Tòa thánh được khởi công xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành với chiều dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m.

Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Du khách vào bên trong tham quan phải để giày, dép bên ngoài, nam vào bên cửa phải, nữ vào cửa trái. Giờ lễ chính trong ngày là 12h.

Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao, tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu. 

Nền tòa thánh có 9 cấp gọi là Cửu phẩm thần tiên, mỗi cấp là một phẩm cấp. Phía trước gian chánh điện có 7 ghế chia làm tam cấp, cao nhất là ghế của Giáo Tông, tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp, cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu Sư. Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn.

Những hàng cột bên trong tòa thánh được gắn hình những con rồng cuộn khá tinh xảo, nhiều màu sắc. Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 do một số người đứng ra thành lập, với biểu tượng là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... 

Tòa thánh Tây Ninh là nơi thờ đạo chính của đạo này. Mùng 9 tháng Giêng và rằm tháng tám âm lịch hàng năm là hai lễ hội lớn nhất của tòa thánh. Không chỉ những người theo đạo Cao Đài, rất đông du khách thập phương cũng về tòa thánh để sống trong không khí lễ hội cây trái và lễ hội rằm to nhất Tây Ninh dịp xuân về.

Ngoài thăm tòa thánh, núi Bà Đen, du khách có thể lưu lại Tây Ninh để thăm những điểm du lịch thắng cảnh và di tích khác như hồ Dầu Tiếng, khu du lịch Ma Thiên Lãnh, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng Chàng Riệc, tháp cổ Bình Thạnh, tháp Chóp Mạt, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cửa khẩu Mộc Bài, th

Nguồn: news.zing.vn
Từ khóa: Tây Ninh

Cùng chuyên mục