Non nước Việt Nam

Tết Độc lập trên xứ Mường Lạc Sơn (Hòa Bình)

Cập nhật: 03/09/2020 07:55:05
Số lần đọc: 1214
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vào tháng 8/1945, Nhân dân cả nước đã đồng loạt vùng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phá bỏ xiềng xích nô lệ, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do. Hòa chung với đồng bào cả nước mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền và Nhân dân huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức ăn Tết Độc lập đầu tiên vào năm 1945. Từ đó đến nay, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, người dân ở các bản làng của huyện lại rộn ràng đón Tết Độc lập. Tết Độc lập là ngày Tết lớn thứ hai của người Mường nơi đây sau Tết Nguyên đán.

Người dân xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) hân hoan, đoàn viên bên mâm cỗ Tết Độc lập.

Tết đoàn viên

Người dân xứ Mường Be, xã Chí Đạo có tục mừng ngày Quốc khánh 2/9 bằng việc tổ chức ăn Tết Độc lập thật trang trọng, ý nghĩa. Trong làng, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn rượu ngon, lợn, gà, vịt béo, cơm nếp mới để liên hoan trong ngày Tết; đường làng, ngõ xóm đến mỗi nếp nhà đều được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, khang trang; tiếng hát, tiếng cồng chiêng ngân vang đón Tết…

Mặc dù xa quê đã lâu nhưng năm nào ông Bùi Thượng Hiền, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) cũng đưa các con về quê ăn Tết Độc lập. Mỗi lần về quê, các con ông Hiền đều cảm nhận được sự ấm áp của tình làng, nghĩa xóm và niềm tự hào về quê hương, đất nước. Chị Bùi Thị Hồng, con ông Hiền cho biết: "Năm nào chúng tôi cũng háo hức chờ đến Tết Độc lập để được về quê nội. Ngày còn nhỏ, lần nào về quê tôi cũng cùng các bạn đồng trang lứa chơi những trò chơi dân gian như nhảy lò cò, đánh mảng, kéo co. Chúng tôi được mặc quần áo mới cùng bố mẹ đi thăm người thân trong họ hàng, làng bản thật vui và ý nghĩa”.

Nhưng có lẽ hào hứng nhất là cánh thanh niên. Tết Độc lập là dịp họ gặp nhau, vui chơi, ca hát, tìm bạn đời. Tết năm nào cũng vậy, thanh niên trong xã Chí Đạo đều thành lập đội bóng chuyền, thi đấu giao lưu với các đội của xã bạn. Sân bãi rộng trước trụ sở UBND xã luôn đông vui với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao. Các thiếu nữ duyên dáng trong trang phục dân tộc Mường truyền thống say sưa múa hát. Tiếng hát ngân nga, hòa quyện cùng âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng.

Giữ gìn, phát triển một phong tục tốt đẹp

Đến bất kể vùng Mường nào ở huyện Lạc Sơn, đặc biệt là vùng ở Mường Vang, Mường Khói những ngày này đều cảm nhận được không khí náo nức chào đón Tết Độc lập của người dân. Đường làng, ngõ xóm rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa và nhiều hoạt động ý nghĩa.

Người dân Lạc Sơn năm nay đón Tết Độc lập trong niềm vui quê hương đang đổi mới từng ngày, cuộc sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Chanh phấn khởi cho biết: Sự thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lạc Sơn lần thứ XXVII vừa qua càng khẳng định những nỗ lực vượt khó, đồng tâm nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong huyện để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tết này, niềm vui của người dân Lạc Sơn như được nhân đôi trước những kết quả KT-XH của huyện đạt được. Tết Độc lập ở xứ Mường Lạc Sơn hôm nay và những năm tiếp theo sẽ ngày càng vui tươi hơn khi chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao… Tết Độc lập sẽ hướng tới xây dựng thành một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc thù, biểu tượng cho niềm tự hào chung của Nhân dân các dân tộc huyện Lạc Sơn.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Thực hiện Thông báo số 3070, ngày 27/5/2020 của Văn phòng Tỉnh ủy, thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Nhân dân xóm Vó Dò, xã Nhân Nghĩa về truyền thống tổ chức Tết Độc lập hàng năm; Công văn của Sở VH-TT&DL, ngày 19/6/2020, UBND huyện Lạc Sơn đã phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức hội nghị triển khai tổ chức Ngày hội "Tết Độc lập” và thống nhất kế hoạch tổ chức Ngày hội "Tết Độc lập” huyện Lạc Sơn. Theo đó, huyện chọn điểm xã Nhân Nghĩa để tổ chức Ngày hội "Tết Độc lập 2/9” theo chủ trương triển khai đề án bảo tồn Ngày hội "Tết Độc lập” trên toàn địa bàn huyện. Ngày hội có phần nghi thức: Tổ chức viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và phần hội: tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chương trình nghệ thuật; các trò chơi dân gian truyền thống; thi ẩm thực; thi các làng nghề truyền thống… Đồng chí Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm: Trước tình hình dịch Covid-19, các hoạt động này không tổ chức như kế hoạch. Tuy nhiên, người dân Lạc Sơn năm nay vẫn "ăn Tết to” - Tết to là tổ chức được ngày Tết theo chiều sâu, Tết để nghỉ ngơi, đoàn tụ, ôn lại truyền thống, để khen thưởng, động viên, giúp nhau cùng phát triển…

 

Hồng Duyên

Nguồn: Báo Hòa Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT