Thăm làng chài, nếm vị biển khơi ở Quảng Nam
Chúng tôi chọn lưu trú ở thôn Hà Lộc, nơi phát triển dịch vụ du lịch gần như sớm nhất vùng. Làng biển nằm yên ả dưới những gốc dừa, hầu hết homestay được cải tạo từ nếp nhà bình dị, rêu phong của ngư dân. Mọi thứ đều nhỏ nhưng sạch sẽ, từ con đường, hàng quán, đình làng, nhà văn hóa cho đến bờ cát trước đại dương xanh bao la. Một buổi chiều dạo quanh làng sẽ có một lồng ngực căng tràn gió biển và những tấm ảnh đẹp mắt. Bơi lội, chèo SUP ở bãi tắm với cát mịn, sóng êm cũng là hoạt động hấp dẫn, phù hợp phần lớn mọi người.
Tam Tiến còn nổi tiếng với khu chợ cá họp bên bờ biển trước bình minh, một đặc trưng của làng biển đã có từ 15 năm trước, giờ đây thành “nam châm” hút khách du lịch yêu khám phá tìm đến. Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc ấn tượng, chúng tôi dậy từ 4 giờ sáng và ra biển. Trời còn tối đen, chợ cá Tam Tiến đã hiện ra trong ánh đèn pin, đèn pha lấp loáng và xôn xao tiếng nói cười. Hừng đông, chân trời chuyển hồng, rồi khi mặt trời mọc thì tàu bè cũng về kín bãi biển. Người chèo thúng, người neo tàu, người bê chậu, người lựa cá... tấp nập. Chợ rất đông nhưng diễn ra trật tự và nhanh chóng, chỉ khoảng hơn 6 giờ sáng là hầu hết các mẻ cá đều đã được chốt, đưa đi khắp nơi. Lúc này, du khách như chúng tôi tiếp tục thong thả đi dạo, tận hưởng thiên nhiên buổi sớm. Ai mua được cá, mực như ý thì mang vào các chòi nhỏ ven biển để chủ quán giúp chế biến thành bữa sáng tươi ngon với những món hấp dẫn như bánh xèo tôm nhảy, bún mực, cháo cá.
Đã cuối mùa du lịch hè, biển Tam Tiến bớt đông đúc, náo nhiệt song vẫn đầy ắp trải nghiệm thú vị gắn với không gian văn hóa vạn chài, như thưởng thức ẩm thực, lặn ngắm san hô, câu mực, tham quan các hộ nghề truyền thống làm nước mắm, đóng thuyền, đan lưới. Chỉ cần lưu ý tránh thời điểm mưa bão, tôi tin rằng, ai cũng sẽ có chuyến đi thú vị ở làng chài xinh đẹp này.
Bài và ảnh: Hải Lâm