Thanh Hóa: Lễ hội đền Phố Cát, nét đặc sắc văn hóa truyền thống
Chương trình nghệ thuật tại lễ hội
Sáng 27.3, UBND huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội đền Phố Cát năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách về dự. Lễ hội được tổ chức với phần nghi lễ trang trọng, thành kính và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề “Linh thiêng Thánh mẫu hội đền Phố Cát”.
Hoạt động đặc sắc nhất trong lễ hội đó chính là lễ rước bóng Thánh mẫu. Phần hội được tổ chức tại đền Phố Cát và sân vận động thị trấn Vân Du với nhiều hoạt động sôi nổi như thi kéo co, giao lưu văn nghệ, dân vũ, thi đấu bóng chuyền hơi...
Các hoạt động diễn ra trong lễ hội đền Phố Cát nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, cảnh quan thiên nhiên của di tích thắng cảnh Phố Cát; quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27-29.3.3024 (tức là từ ngày 18.2 đến ngày 20.2 âm lịch).
Nghi thức tế lễ tại lễ hội
Theo sử sách ghi lại, đền Phố Cát thuộc di tích thắng cảnh Phố Cát, nằm trên địa bàn thị trấn Vân Du, được xây dựng dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một nữ thần trong quan niệm Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt.
Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Tiên chúa Quỳnh Nương con gái của Ngọc hoàng Thượng đế, xinh đẹp, tài giỏi, vì phạm lỗi làm rơi chén ngọc trong một buổi lễ chầu Thiên đình nên bị phạt xuống trần gian trải qua kiếp người với 3 lần giáng sinh. Trong đó, 2 lần giáng thế đầu diễn ra ở Nam Định với tên gọi là Lê Giáng Tiên và Phạm Tiên Nga.
Tuy nhiên, khi hết hạn trích giáng được Ngọc Hoàng cho gọi về trời thì lòng Tiên chúa lại vấn vương cuộc sống trần gian. Hiểu được nỗi lòng con gái, Ngọc hoàng Thượng đế cho phép nàng hiển thánh lần 3 xuống vùng Phố Cát (Thạch Thành), nơi có phong cảnh đẹp mỹ lệ, địa thế thuận lợi, non cao, nước biếc, sơn thủy hữu tình làm chốn hành thiện, giúp đời. Đây là lần giáng sinh nàng ở lại trần thế lâu nhất.
Trải qua “tam sinh, tam hóa”, suốt bao đời nay Thánh mẫu Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, công dung ngôn hạnh, với tấm lòng hiếu nghĩa, trung trinh đức độ, thiện tâm cứu thế cùng tài năng cầm kỳ thi họa, thần thông biến hóa, diệt ác trừ gian, giúp dân, giúp nước, danh thơm lưu truyền mãi muôn đời.
Bà được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến nhà Nguyễn ban nhiều sắc phong, tôn là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”, “Chế Thắng bảo hòa Diệu Đại vương”, “Mã Hoàng công chúa”, “Dực bảo Trung hưng các đẳng thần”, chính là vị Thánh mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo mẫu, và là một nữ thần trong hệ thống Tứ bất tử của thần linh Việt Nam.
Nghi lễ rước kiệu Thánh Mẫu
Đặc biệt, trong các đền thờ Thánh mẫu thì đền Phố Cát (Thạch Thành) là nơi đầu tiên trong cả nước được nhà vua ban tặng sắc phong thần cho Thánh mẫu là Thượng đẳng thần. Từ đó, có thể thấy được vị thế đặc biệt của đền Phố Cát trong tín ngưỡng thờ mẫu ở nước ta.
Từ khi đền Mẫu Phố Cát được lập nên, Vua Khải Định trong lần hạ giá qua huyện Thạch Thành đã từng ghé thăm đền và đề thơ ngâm vịnh. Đầu thế kỷ XX, cạnh dòng suối phía trước đền, Tổng đốc Thanh Hoá đã cho xây dựng một tháp vọng ngư hình lục lăng để dành riêng cho Vua Bảo Đại ngồi thưởng ngoạn cảnh vật. Sau đó, do biến động của lịch sử đền không còn giữ được nguyên vẹn, chỉ còn lại nghi môn và tháp vọng. Trong khoảng các năm từ 1990 đến 1995, chính quyền địa phương và Nhân dân, nhà hảo tâm đã công đức tôn tạo lại khu đền thờ như ngày nay.
Khu vực trung tâm của thắng cảnh Phố Cát là đền Mẫu - đền thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, ngoài ra còn có đền Quan Giám sát thờ Quan lớn Đệ nhị Thượng Ngàn hay còn gọi là Quan Đệ nhị Giám Sát. Thánh mẫu Liễu Hạnh và Quan Đệ nhị Giám Sát là những vị thần mà Nhân dân ở đây thờ tự với mong muốn được thần bảo hộ, che chở cho cuộc sống của dân làng được bình an.
Vì thế mà huyền thoại, huyền tích của các vị thần đã hóa thân vào cuộc sống con người. Việc kính cẩn tôn thờ các thần bảo vệ sự bình an, mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng ấm no đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời của người dân nơi đây.
Trước đây, lễ hội đền Phố Cát được tổ chức với quy mô rộng rãi từ ngày 15.1 đến ngày 3.3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18.2 âm lịch với các hoạt động như, lễ bái, cầu cúng, thượng đồng và các trò chơi dân gian. Trải qua thời gian, nhiều năm qua, lễ hội đền Phố Cát dần bị mai một, chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của đền.
Việc khôi phục lại lễ hội đền Phố Cát thể hiện sự quyết tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của Nhân dân, du khách. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Nguyễn Linh