Tin tức - Sự kiện

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Cần phát huy yếu tố di sản, ẩm thực trong xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa

Cập nhật: 04/11/2020 13:57:59
Số lần đọc: 911
(TITC) – Chiều ngày 3/11/2020, Tổng cục Du lịch đã có buổi báo cáo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về dự thảo Đề án Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.

Tham dự buổi báo cáo có Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, lãnh đạo Vụ Thị trường du lịch, Vụ Kế hoạch, Tài chính (TCDL) và một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Toàn cảnh buổi làm việc

Du lịch văn hóa là 1 trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam, thu hút đông đảo khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Du lịch văn hóa được xác định là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần mang lại sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Phát biểu tại buổi báo cáo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” nằm trong kế hoạch của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự thảo đề án trình bày cơ sở lý luận về phát triển thương hiệu như khái niệm thương hiệu, thương hiệu quốc gia, chức năng và vai trò của thương hiệu quốc gia, các bước cơ bản xây dựng thương hiệu quốc gia, các yếu tố ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia. Đề án cũng nêu kinh nghiệm về phát triển thương hiệu quốc gia từ một số nước thành công trong khu vực và thế giới.

Hiện nay, mặc dù chưa có chương trình xây dựng thương hiệu riêng cho du lịch văn hóa, nhưng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, các điểm du lịch văn hóa đã nhận được sự yêu thích của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Có thể kể đến nhiều tour du lịch văn hóa thành công (như tour Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên), các di sản nổi tiếng (Đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…) hay các lễ hội truyền thống (như Hội Đền Hùng, Hội Lim…).

Dự thảo cũng nêu định hướng, mục tiêu và nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam. Trong đó, phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam gồm những nội dung cụ thể về: Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, ẩm thực và Đổi mới chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Dự thảo Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp triển khai gồm có: giải pháp về Nghiên cứu và dự báo; Khoa học công nghệ; Thương mại, truyền thông; Đầu tư, tài chính tín dụng; Cơ chế chính sách; Phát triển sản phẩm và thị trường; Đào tạo, nâng cao nhận thức và Hợp tác quốc tế.

Đánh giá cao dự thảo Đề án "Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa" do Tổng cục Du lịch thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa là một đề án lớn được Bộ VHTTDL xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh yếu tố di sản và ẩm thực là những thế mạnh nổi trội của du lịch Việt Nam, cần có giải pháp để khai thác và phát triển một cách bền vững. Đồng thời đề nghị Tổng cục Du lịch bổ sung, củng cố thêm sự cần thiết và cơ sở pháp lý của đề án; đánh giá sâu hơn những khó khăn và hạn chế tác động đến việc phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa; đặc biệt cần làm nổi bật nhóm giải pháp về đào tạo, nâng cao nhận thức - đây là yếu tố tiên quyết và là nền tảng để triển khai các giải pháp khác

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT