Thừa Thiên Huế: Nâng chuẩn chất lượng dịch vụ lưu trú
Xu hướng du khách lựa chọn các cơ sở lưu trú cao sao, chất lượng. Ảnh: ĐQ
Cạnh tranh bằng chất lượng
Gần đây, nếu ai đã đi qua đầu đường Lê Lợi, chắc chắn sẽ dành lời khen cho Khách sạn Silk Path Grand Huế Hotel & Spa, bởi sự kết hợp hài hòa giữa sự sang trọng, cùng với kiến trúc đậm nét châu Âu. Khách sạn này được nâng cấp và đổi tên mới từ Khách sạn Xanh trước đó. Ngày 8/1 vừa qua, khách sạn đã khai trương và được gắn bảng công nhận của Tổng cục Du lịch là khách sạn 5 sao. Đây đã là khách sạn 5 sao thứ 7 của Huế.
Đối diện với Khách sạn Silk Path Grand Huế Hotel & Spa là Khách Sạn Azerai La Residence Huế, luôn được biết đến là nơi đón tiếp những chính khách, nguyên thủ quốc gia hàng đầu khi đến Huế cũng đã hoàn tất việc nâng cấp chất lượng từ năm 2018 – 2020. Khách sạn thay đổi lại toàn bộ nội thất, khu vực sân vườn cũng được mở rộng, tạo không gian thoáng, rộng rãi… Giá dịch vụ tại khách sạn này tăng từ 30 – 50%. Khách sạn cho biết, định hướng phân khúc là những dòng khách cao cấp thật sự, với mức chi tiêu cao khi đến Huế.
Khi qua các tuyến phố trung tâm như Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, Nguyễn Tri Phương… cũng sẽ bắt gặp nhiều khách sạn 4 sao mới đưa vào khai thác trong năm 2020. Đối diện với Bưu điện tỉnh là Khách sạn White Lotus. Khách sạn này có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tân cổ điển và nghệ thuật sắp đặt tinh tế theo phong cách cung đình Huế. Cách đó không xa là Khách sạn Sena ở đường Nguyễn Tri Phương, cũng mang đậm phong cách Pháp kết hợp với văn hóa kiến trúc và nghệ thuật Huế.
Không dừng ở đó, các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng đang tiếp tục triển khai và trong quá trình gấp rút hoàn thành như, Khách sạn Thuận Hóa (2 Hùng Vương); Khách sạn tại ngã 5 Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Hoàng Hoa Thám và Nguyễn Tri Phương; Khu dịch vụ tổng hợp của Vietravel tại đường Nguyễn Huệ; xa hơn có Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Mỹ An, cách TP. Huế khoảng 7km....
Theo Phòng Quản lý Lưu trú, Sở Du lịch, tính đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 806 cơ sở lưu trú, với 13.043 phòng và 21.327 giường; trong đó, số khách sạn từ 1 - 5 sao là 66 cơ sở với 4.399 phòng và 7.305 giường. Riêng khách sạn từ 3 – 5 sao có 26 cơ sở với 3.321 phòng, 5.497 giường. Hiện, trong tổng số 421 khách sạn trên địa bàn có 144 khách sạn đã được công nhận hạng từ 1 sao đến 5 sao.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, không kể năm 2020, khách du lịch đến Huế giảm sâu vì dịch COVID-19, từ giai đoạn 2017 - 2019, tình trạng thiếu phòng chất lượng ở Huế (từ 3 - 5 sao) liên tục xảy ra. Với nhiều cơ sở được hình thành mới và nâng cấp chất lượng, lượng phòng chất lượng từ 3 - 5 sao ở Huế đã tăng gần 30%, góp phần giải quyết được nhu cầu phòng chất lượng của thị trường khi du lịch bình thường trở lại.
Tại Khu nghỉ dưỡng Alba Thanh Tân. Ảnh: MC
Tạo dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh phân tích, du lịch Huế hình thành và phát triển từ lâu, có những khách sạn lịch sử hơn 100 năm, tính truyền thống, thương hiệu vẫn phát huy, song xét về chất lượng, dịch vụ, cơ sở vật chất sẽ không bằng những khách sạn mới xây dựng. Với những thay đổi khá đậm nét về dịch vụ lưu trú thời gian qua, sự xuất hiện các cơ sở mới, các cơ sở cũ “thay áo” mới, hấp dẫn hơn đang từng bước tăng tính cạnh tranh và xây dựng lại thương hiệu về dịch vụ lưu trú cho Huế. Việc nâng chất lượng cũng là tiền đề quan trọng nhất để tăng giá dịch vụ lưu trú ở Huế.
Còn nhớ năm 2018, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch vào kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú ở Huế và có đánh giá rằng mặt chung về chất lượng lưu trú ở Huế đang ở mức trung bình. Thậm chí, tại đợt kiểm tra đó, có khách sạn đã bị tước sao và buộc phải nâng cấp cơ sở mới được gắn sao trở lại. Còn mới đây, cuối năm 2020, một đoàn công tác khác của Tổng cục Du lịch vào Huế thẩm định sao cho các cơ sở đã tỏ ra bất ngờ vì sự “chuyển động” theo hướng chất lượng của dịch vụ lưu trú ở Huế, trong khi nhiều địa phương khác đang tạm ngưng xây dựng, sửa chữa.
Ông Lê Hữu Minh cho biết, xu hướng du lịch hiện nay là chất lượng, du khách thường lựa chọn khách sạn cao sao, nên định hướng trong thời gian đến của ngành là khuyến khích các cơ sở nâng cấp cơ sở vật chất. Khách sạn có thể 3 sao, nhưng chất lượng cần được 4 sao. Một hạn chế của Huế là thiếu các cơ sở để tổ chức du lịch MICE có thể lên đến 1.000 khách, hay lớn hơn. Do đó, ngành du lịch sẽ tham mưu tỉnh để thu hút thêm các nhà đầu tư ở lĩnh vực lưu trú.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành du lịch 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, du lịch là động lực phát triển của Huế trong tương lai nên phải hướng đến chất lượng, đẳng cấp dựa trên văn hóa - di sản và một yếu tố không kém cạnh chính là hệ thống các khách sạn cao cấp, chất lượng, xứng tầm để xây dựng chuỗi dịch vụ cao cấp. Điều đáng mừng là hiện đang có một số nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu các dự án lưu trú cao cấp để có thể giúp Huế cụ thể hóa mục tiêu trên.
Từ 1/2020 - 12/2020, Tổ thẩm định CSLT du lịch và dịch vụ thuộc Sở Du lịch đã thẩm định 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tổng cục Du lịch thẩm định công nhận 1 khách sạn 4 sao (Khách sạn Thanh Lịch Royal Boutique) và 3 khách sạn 5 sao (trong có có 1 khách sạn được công nhận là Silk Path Grand Huế Hotel & Spa). Thẩm định và công nhận 4 khách sạn 2 sao... |
Quang Sang