Thúc đẩy tiêm vắc xin Covid-19 cho lao động ngành du lịch ở Quảng Ninh
Khoảng 90% nhân viên của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1. Ảnh: Nhân viên Công ty giới thiệu về sản phẩm chăm sóc sức khoẻ tại Am Tuệ Tĩnh cho du khách
Hơn 7.000 mũi tiêm đợt đầu
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tổng số vắc xin tiêm phòng Covid-19 đợt V được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều (chưa tính số liều được sử dụng từ nguồn vắc xin của địa phương).
Số lao động ngành du lịch trong toàn tỉnh đã được tiêm là 7.043 trong tổng số 8.338 người đăng ký tiêm phòng (đạt 76%). Con số này vượt cao hơn số liều vắc xin tỉnh phân bổ cho lao động ngành du lịch do một số địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu sử dụng nguồn vắc xin của địa phương cho lao động ngành du lịch và một số doanh nghiệp chủ động về vắc xin.
Cụ thể, 6.813 người đăng ký tiêm phòng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh là lao động du lịch thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và TX Đông Triều, Quảng Yên.
Trong đó, số người đã được tiêm phòng là 5.433 người (đạt 79,7%), 82 người chống chỉ định tiêm phòng (do mắc bệnh lý nền không thể tiêm); 25 người từ chối tiêm (đề nghị được tiêm loại vắc xin khác); 524 người hoãn tiêm (tại thời điểm khám sàng lọc người lao động không đảm bảo sức khỏe để tiêm, do bận việc); 1.315 người đã đăng ký nhưng không đến tiêm.
Tại TP Móng Cái số người đăng ký là 1.185 người (vượt so với số vắc xin được phân bổ là 204 người), trong đó đã thực hiện tiêm phòng cho 1.124 người, 6 người không đảm bảo sức khỏe; 55 người đã đăng ký nhưng không đến tiêm.
Cô Tô có 403 người đăng ký (vượt 16,8% so với số vắc xin được phân bổ), trong đó số người đã tiêm phòng là 345 người, 6 người không đảm bảo sức khỏe, 52 người đăng ký vượt chỉ tiêu sẽ tiêm vào đợt tới đây.
Bình Liêu có 72 người đăng ký, trong đó đã thực hiện tiêm phòng cho 64 người, 8 người hoãn tiêm (do sức khỏe chưa đảm bảo hoặc chờ nguồn vắc xin khác). Hải Hà đã thực hiện tiêm phòng cho 37/37 người đăng ký.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch, khẳng định: Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 là nhu cầu chính đáng, là giải pháp bền vững nhất để kiểm soát dịch bệnh, qua đây tạo nền tảng vững chắc ổn định hoạt động du lịch nội tỉnh hiện nay và mở rộng ra các thị trường lớn hơn sau này. Nguồn vắc xin hiện còn rất hạn chế, vì vậy khi tỉnh phân bổ số lượng vắc xin lớn như vậy cho ngành du lịch thể hiện sự ưu tiên, quan tâm lớn của tỉnh, các sở, ngành đối với lĩnh vực này.
Việc tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngành du lịch có sự chủ động từ trước, sự phân công, phân nhiệm cụ thể, cùng với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, nên việc tiến hành khá bài bản, đảm bảo tốt theo mục tiêu ban đầu đặt ra.
Theo đó, việc triển khai tiêm đảm bảo an toàn, lựa chọn đúng đối tượng, đủ số lượng, chỉ tiêu được giao, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh có quy mô và số lượng lao động lớn. Sau khi tiêm phòng, hầu hết người lao động chỉ có các dấu hiệu và triệu chứng phản ứng nhẹ sau tiêm, không có trường hợp bị phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ) được báo cáo.
Tháo gỡ những vướng mắc
Qua phân tích trên cho thấy, việc tiêm phòng Covid-19 đợt 1 cho lao động ngành du lịch tại các địa phương đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch cũng như người lao động. Công tác tổ chức tiêm phòng đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Tuy nhiên, nhìn vào các con số cũng cho thấy những vấn đề, đó là số lượng người từ chối tiêm, đã đăng ký nhưng không đến tiêm là gần 1.400 người, chiếm 16,7% so với tổng số lượng người đăng ký tiêm phòng Covid-19 trong toàn tỉnh.
Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lao động ngành du lịch nhằm tạo tiền đề cho sự phục hồi của du lịch Quảng Ninh sau này. Ảnh chụp tại khu du lịch Quảng Ninh Gate, Đông Triều năm 2019
Nói về việc này, nhiều địa phương đã có những lý giải về nguyên nhân cụ thể. Theo đó, bên cạnh những lý do khách quan như do địa điểm quá xa, điều kiện địa lý cách trở sông nước, do bận việc, ca kíp không kịp đi tiêm thì vẫn còn tâm lý e ngại, nhận thức chưa đầy đủ về nguồn gốc vắc xin. Ngược lại, không ít lao động du lịch sau khi thấy việc tiêm an toàn lại vội vàng đổ xô đi đăng ký tiêm.
Chính vì vậy, ngay từ đợt tiêm đầu vừa qua cũng như tới đây, ngành du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, các Chi hội, các địa phương và cơ sở y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động, chia sẻ thêm thông tin về vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay.
Cùng với việc triển khai mũi tiêm nhắc lại (dự kiến trong tháng 8) đảm bảo đủ 2 mũi tiêm phòng Covid-19 cho số lao động du lịch đã tiêm, ngành du lịch phấn đấu tới tháng 10 sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên du lịch.
Theo thông tin từ Sở Du lịch, số lượng lao động ngành du lịch tại các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đăng ký để được tiêm vắc xin đợt tới tính đến ngày 2/8 vừa qua vào khoảng gần 4 nghìn người. Trong đó, tại các địa phương là hơn 1.500 người, khối khách sạn gần 1.200 người, khối tàu du lịch gần 800 người, lữ hành và hướng dẫn viên 200 người, các dịch vụ du lịch khác hơn 300 người.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ bày tỏ: Hoạt động du lịch tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ liên quan tới tiếp xúc khách ở khắp các vùng, miền nên cán bộ, nhân viên ngành rất cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19, để đảm bảo an toàn phục vụ du khách cũng như tạo sự yên tâm cho du khách. Hơn 7.000 liều vắc xin đã tiêm mới là con số nhỏ trong tổng thể cán bộ, nhân viên của ngành khi mà lực lượng lao động trực tiếp lên tới 25 - 28 nghìn người.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong tiến độ tiêm thời gian sắp tới, tỉnh cũng như các địa phương tạo điều kiện cho lao động ngành du lịch được tiêm sớm, góp phần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho sự phục hồi của du lịch Quảng Ninh sau này.
Phan Hằng