Tiến hành trùng tu căn biệt thự cổ
Căn biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM). Ảnh: hcmcpv
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM, cho biết căn biệt thự được nhà đầu tư mua lại và sửa sang bảo tồn, đã có báo cáo cho các nhà khoa học thông qua một buổi hội thảo; theo đánh giá, đây là một trong những công trình bảo tồn chuẩn, giống như trụ sở UBND TPHCM. Chủ nhân căn biệt thự đã đưa các chuyên gia về bảo tồn từ Pháp, Ý sang nghiên cứu, sử dụng các phương pháp bảo tồn, trùng tu hiện đại của châu Âu và thế giới. Các chuyên gia sẽ phân tích công việc bảo tồn như cách cạo tường, bóc tách vữa trét sau này để lộ ra mảng tường sơn ngày xưa; rồi các chi tiết, họa tiết, nói chung là làm rất kỹ, rất tốn kém.
“Việc sửa chữa công trình đã được chủ nhân xin phép thành phố. Cho tới thời điểm này, chưa biết biệt thự này thuộc nhóm gì vì chưa phân loại xong, nhưng chủ nhà cho biết không phá dỡ tòa nhà chính, nếu có tháo dỡ thì chỉ là những công trình phụ, tôn tạo lại hàng rào, các khuôn viên giữ nguyên bản, nên thành phố ủng hộ. Quan điểm của chúng tôi trong công tác quản lý là rất khuyến khích điều đó, chủ đầu tư tự nguyện bảo tồn. Trong không gian đô thị không chỉ tập trung việc phá bỏ biệt thự để xây dựng nhà cao tầng vì lợi ích kinh tế, nếu tầm nhìn xa hơn thì lợi ích kinh tế từ bảo tồn mang lại sẽ gấp bội lần, lúc đó số lượng ít ỏi biệt thự còn lại sẽ là vô giá”, ông Nguyễn Trọng Hòa phân tích.
Biệt thự 110-112 Võ Văn Tần được TPHCM cấp phép cho Công ty Stonewest Limited là nhà thầu của công trình, chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng, không được xây dựng mới. Trước đó, tháng 12/2018, việc trùng tu, sửa chữa căn biệt thự này được nêu ra trong hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TPHCM”.
Kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste, trưởng nhóm trùng tu căn biệt thự, cho biết nhà thiết kế biệt thự này đã chọn lựa những phương pháp tân tiến nhất và vật liệu chất lượng nhất thời đó để tạo nên một kết cấu biệt thự bền vững theo thời gian. Chỉ liệt kê một số vật liệu để thấy sự chọn lọc khắt khe, cầu kỳ của chủ nhân tòa nhà: gạch ceramic được thiết kế tại Việt Nam và sản xuất ở Pháp; khung sắt làm lan can đặt tại Pháp, Đức và vận chuyển đường biển về Việt Nam; kính thông gió, cửa kính được sản xuất vào những năm 20 của thế kỷ trước từ châu Âu; tranh tường do họa sĩ chuyên nghiệp vẽ... Do vậy, khi tiến hành trùng tu căn biệt thự, ông phải mời các chuyên gia và người lớn tuổi tại Huế, Đức, Ý, Pháp để nghiên cứu về nước sơn, tranh tường cũng như phương pháp sơn, vẽ đã sử dụng.
Các chuyên gia cùng nhau nghiên cứu, khảo sát trong khoảng thời gian gần 3 năm. Vì tòa nhà gần 100 năm tuổi nên nhiều hạng mục bị hư hại như nóc nhà, các bức bích họa, nước sơn, cùng những bong tróc phần bên ngoài…
Khó khăn nhất của công trình là phải trùng tu tòa nhà sát với phiên bản gốc nhất, tìm ra được những vật liệu phù hợp. Công việc cụ thể như sau: phá bỏ những dãy nhà xung quanh được xây dựng sau này, sẽ trùng tu tòa nhà chính, hội trường âm nhạc, các nhà phụ, vườn, 3 cổng vào và hàng rào. Dự kiến, căn biệt thự sẽ hoàn tất sau 3 năm trùng tu.
Căn biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần được xây dựng vào những năm 1920 trên khu đất có diện tích 2.800m². Lúc đầu, căn biệt thự có tên là Biệt thự Phương Nam do ông Nguyễn Văn Nhiều là chủ nhân, sau đó thuộc về 2 người là Đặng Kim Chi và Nguyen Kim Sa Dang. Cuối năm 2015, Công ty Minerva mua lại căn biệt thự trên với giá 35 triệu USD.
Trên địa bàn TPHCM, hiện nay còn chưa tới 100 căn biệt thự kiểu này, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang thu thập hồ sơ đưa sang Hội đồng phân loại biệt thự TPHCM để phân loại và xác định loại biệt thự nào cần giữ, loại nào cho phép có thể thay đổi, sau đó sẽ trình UBND TPHCM./.