Tiếp tục phát hiện nhiều lớp di tích kiến trúc ở Khu di sản Hoàng thành Thăng Long
Các hố khai quật năm 2019 tại khu vực phía đông bắc nền điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 990 m2 (gồm một hố khai quật và ba hố thám sát để nghiên cứu địa tầng ở những vị trí sâu nhất). Tại các hố khai quật đã xuất lộ khá đầy đủ các lớp văn hóa với đặc trưng của 1.300 năm lịch sử – từ thời hiện đại (sâu dần xuống) đến thời Nguyễn, thời Lê Trung Hưng, thời Lê Sơ, thời Trần, thời Lý và đến thời kỳ tiền Thăng Long: Khoảng thế kỷ 8-9, ở khu vực này có dấu tích kiến trúc thời Đại La (tiền Thăng Long) – dấu tích rất rõ là cống nước xây bằng gạch khá công phu chạy theo hướng bắc nam. Lớp văn hóa này hình thành trên nền đất sinh thổ chứng minh rằng trước thế kỷ thứ 8, ở đây chưa có công trình nào. Đến thời Lý có thể nhận thấy lớp sét vàng chồng lên lớp văn hóa thời tiền Thăng Long.
Sang thời Trần, khu vực này xuất lộ một con lạch nhỏ hình thành tự nhiên chảy theo hướng đông tây, dấu tích này đã cắt qua hầu hết các nền đất thời Lý và thời tiền Thăng Long nơi con lạch chạy qua. Dấu tích nền móng thời Trần khá dày, nhận rõ được một dấu tích kiến trúc có ống nước tròn.
Đến thời Lê sơ con lạch này được lấp toàn bộ, đồng thời toàn bộ mặt bằng khu vực này được san lấp để xây dựng các kiến trúc móng tường, móng cột. Dấu tích san lấp nền móng thời Lê sơ xuất hiện trên diện rộng, bao trùm hết cả khu vực hố khai quật.
Thời Lê Trung hưng có lớp móng nền có diện tích tương đồng với móng nền thời Lê sơ, mật độ xây dựng cao, hệ thống kiến trúc có móng cột kích thước rất lớn và hệ thống sân vườn khá quy củ. Khoảng cuối thời Lê Trung hưng sân vườn bị bỏ nhường chỗ cho hệ thống ao hồ được xây dựng to lớn công phu với hai tường bằng gạch vồ, đường nét uốn lượn, khá cầu kỳ.
Thời Nguyễn, khu vực này được san lấp để xây dựng các kiến trúc. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện dấu tích kiến trúc có móng cột thời Nguyễn ở khu vực điện Kính Thiên được xây dựng khá quy mô và cẩn thận. Cuối cùng đến lượt các kiến trúc Nguyễn bị phá hủy thay vào đó là các kiến trúc thời Pháp thuộc và thời hiện đại.
Các nhà khoa học đánh giá cao các kết quả khai quật khảo cổ học ở Trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2019. GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: “Phát hiện được “Đường nước lớn” là quan trọng và nổi bật nhất của đợt khai quật này. Đề nghị mở rộng toàn bộ các hố khai quật để làm rõ hơn toàn bộ quy mô của công trình, nhất là tìm ra được các góc của đường nước. Đây là công trình sẽ thu hút nhiều khách tham quan”.
PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kiến nghị: “Tiếp tục khai quật khảo cổ học khu Hoàng thành để tiến tới phương án phục dựng không gian Điện Kính Thiên và cần mở một diện tích khai quật hạn chế ở khu vực trước sân Điện Kính Thiên song song với khai quật mở rộng toàn diện tích khai quật của hố 2019”.
Kết quả cuộc khai quật năm 2019 có nhiều phát hiện mới góp phần minh chứng rõ hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn để khẳng định khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long có lịch sử tồn tại liên tục, lâu dài hơn 1.300 năm không gián đoạn. Các nhà khoa học cũng đề nghị: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần có phương án tiếp tục đầu tư khai quật, nghiên cứu khảo cổ học với quy mô lớn hơn và đầu tư kinh phí xứng tầm hơn.