Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo các tỉnh miền Trung”
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL), bà Huỳnh Thị Phương Hoa – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi, cùng với gần 100 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên cả nước; đại diện các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn hai tỉnh, và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2019, Tổng cục Du lịch tổ chức Chương trình Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển đảo từ 18-22/6/2019 với sự tham gia của các nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong cả nước, đoàn khảo sát đánh giá tiềm năng và thực trạng khai thác các sản phẩm du lịch trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi về: Cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm du lịch đặc trưng, vệ sinh môi trường... Trên cơ sở đó định hướng xây dựng và làm mới, làm phong phú sản phẩm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch biển đảo vốn được coi là thế mạnh của các địa phương; đẩy mạnh liên kết và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, có sức cạnh tranh trong nước và trong khu vực.
Ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL)
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đạo Dũng nhấn mạnh du lịch biển đảo là một trong những loại hình du lịch có sức hấp dẫn và phát triển mạnh mẽ bậc nhất ở nhiều quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo khi sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo, với những bờ cát trắng, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt.
Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á, có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, trải dài từ Bắc tới Nam, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung. Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là Vịnh Hạ Long, Vịnh Nha Trang.
Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên…
Đoàn khảo sát trải nghiệm dịch vụ lặn biển ngắm san hô tại Cù Lao Chàm (Quảng Nam)
Ngoài ra, từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.
Tại bãi Hang, đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi)
Với việc thu hút khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, phát triển mạnh mẽ góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn của du lịch biển, đảo Việt Nam.
Chụp hình lưu niệm tại Thạch Cổng Tò Vò (Lý Sơn, Quảng Ngãi)
Theo ông Nguyễn Đạo Dũng, thực tế cho thấy, du lịch biển, đảo ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Dịch vụ du lịch còn thiếu, nghèo nàn; sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; an ninh trật tự và việc quản lý giá tại một số khu, điểm du lịch chưa đảm bảo; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh…
Từ thực tế khảo sát các điểm du lịch những ngày qua, đại diện các đơn vị lữ hành đã cùng trao đổi, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, thực trạng khai thác sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch đã khảo sát, đồng thời xem xét khả năng hình thành các tuyến du lịch và các chương trình du lịch, từ đó đề xuất định hướng khai thác một cách hợp lý các điểm du lịch và dịch vụ du lịch tại các địa phương.
Đại diện doanh nghiệp trao đổi tại buổi tọa đàm
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đánh giá vai trò của việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong vùng, nêu các ý tưởng, đề xuất các sáng kiến về xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Các doanh nghiệp du lịch và các nhà cung cấp dịch vụ tại các điểm đến cần làm những gì để tăng mối liên kết, hình thành sản phẩm chất lượng cao, có trách nhiệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Các ý kiến, đề xuất cụ thể từ các đại biểu và các doanh nghiệp sẽ giúp cho Tổng cục Du lịch và các sở, ban, ngành địa phương khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phong phú của tuyến, tạo sự chuyển biến căn bản và những bước phát triển bứt phá trong thời gian tới, góp sức đưa du lịch biển đảo phát triển xứng tầm tiềm năng.
Khánh Luân