Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Bình Định tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp xây dựng “Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo các hiệp hội du lịch và đại diện hàng trăm doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hàng không.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết Bình Định là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng phù hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng… Nhưng phải làm sao để xây dựng du lịch phát triển luôn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương.
Trong những năm gần đây, Bình Định đã và đang tập trung phát triển du lịch, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ sở hạ tầng ngành du lịch cũng từng bước được phát triển, nhiều dự án lớn đã được triển khai và đưa vào sử dụng.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh về triển khai thu hút đầu tư và phát triển du lịch, lượng khách du lịch đang tăng lên mỗi năm, Bình Định trở thành điểm đến với du khách, hình ảnh của thiên nhiên và con người Bình Định cũng được lan tỏa khắp cả nước, thương hiệu du lịch Quy Nhơn, Bình Định đã được biết đến.
Năm 2019, du lịch đã đóng góp trực tiếp khoảng 12% GRDP của tỉnh, thu hút 9 dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, từ năm 2020, ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Bình Định đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 36,3%, doanh thu du lịch ước đạt 1.671 tỷ đồng, giảm 39%.
Đây là thời điểm thách thức với ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đang thực hiện thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang kỳ vọng sự liên kết giữa du lịch Bình Định với các điểm đến khác trong cả nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ ngày càng phát triển, mối quan hệ với doanh nghiệp du lịch sẽ ngày càng bền chặt, góp phần đưa du lịch Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng.
Xây dựng “Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”, đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động du lịch
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự tích cực hưởng ứng, chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch kích hoạt du lịch của Bình Định với chủ đề phù hợp với bối cảnh và yêu cầu “Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn”.
Tổng cục trưởng cho biết, từ tháng 9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228 định hướng các địa phương triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Để chuẩn bị cho hoạt động mở cửa, phục hồi du lịch, trong tháng 10 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch tới các thị trường khách quốc tế trọng điểm. Cũng trong tháng 10, Tổng cục Du lịch đã làm việc với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế.
Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022 là du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên. Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt để mở cửa du lịch quốc tế theo lộ trình, tiến tới phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới.
Để du lịch Bình Định có thể phục hồi và có bước phát triển mới tích cực, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Bình Định cần tập trung triển khai hiệu quả 6 nhóm giải pháp gồm có:
Một là, triển khai các hoạt động du lịch theo tinh thần hướng dẫn 3862 của Bộ VHTTDL về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch;
Hai là, tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các sở ban ngành trong tỉnh, giữa Bình Định với các địa phương khác, phát huy hiệu quả liên kết Bình Định - Hà Nội; đảm bảo hài hòa về quy định đi lại giữa các địa phương nhằm tạo điều kiện trao đổi khách an toàn, hiệu quả;
Ba là, tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Định nên chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hoá để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19;
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động du lịch nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch;
Năm là, tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phát huy hợp tác công tư, sự vào cuộc của các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn điển hình là tập đoàn FLC cho sự phát triển của du lịch địa phương;
Sáu là, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn tạm thời 4122 thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng vào đầu năm 2022, các địa phương chủ động đề xuất và đáp ứng điều kiện sẽ được xem xét cho phép đón khách du lịch quốc tế. Vì vậy, Bình Định cần chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, kế hoạch đón khách quốc tế trở lại đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch, người lao động, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn, xây dựng sản phẩm mới để đón khách du lịch
Chia sẻ về sự chuẩn bị của doanh nghiệp du lịch cho việc khôi phục hoạt động du lịch, đại diện tập đoàn FLC cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện nhân lực, vật lực cho kịch bản mở cửa đón khách với nhiều tiện ích du lịch hiện đại, đồng bộ từ hàng không, du thuyền, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf hiện đại... Bên cạnh đó, FLC đã thiết lập vành đai du lịch xanh, quá trình đón tiếp khách đảm bảo 5K nghiêm ngặt, từ đón khách ở sân bay đến khách sạn. Doanh nghiệp cũng hoàn thành lá chắn bảo vệ kép khi 100% cán bộ nhân viên FLC đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, nâng cao năng lực ứng phó dịch, lên kịch bản, đào tạo đội ngũ y tế... nhằm kiến tạo vành đai du lịch xanh khép kín, an toàn.
Với Vietrantour, trăn trở lớn của doanh nghiệp là xây dựng sản phẩm. Doanh nghiệp đánh giá, Bình Định có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, văn hoá, ẩm thực, thậm chí có thể kết hợp du lịch với giáo dục. Vì vậy, Vietrantour đang nỗ lực tận dụng các yếu tố này để phát triển những sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu và tâm lý du khách.
Vietrantour cũng cho rằng truyền thông giúp tâm lý khách hàng ổn định là điều quan trọng. Khách hàng cần cảm xúc mới và sự thăng hoa mới dựa trên việc tham gia sản phẩm xanh, trải nghiệm trải nghiệm xanh cùng mức chi phí phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways, chia sẻ, Việt Nam có 5 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế. Theo ông, cạnh tranh điểm đến là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. "Nếu Bình Định được góp phần vào việc cạnh tranh điểm đến là cơ hội phát triển cho ngành sẽ tốt hơn. Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp" - ông Quân cho biết.
Khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết, phải vừa đảm bảo an toàn, vừa hấp dẫn. Hiện tại, các doanh nghiệp đều quyết tâm khôi phục lại doanh nghiệp của mình. Để an toàn, chúng ta cần tiêm chủng vắc-xin và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng rất nhanh trong khu vực. Đồng thời, triển khai các hoạt động du lịch theo nguyên tắc 5K. Đặc biệt là cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong mọi hoạt động du lịch, giao dịch... Tăng cường truyền thông để mọi người có ý thức đảm bảo an toàn, xóa đi rào cản lo ngại khi đi du lịch. Tổng cục trưởng lưu ý, theo hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTTDL, với bất kỳ cấp độ dịch nào thì hoạt động du lịch vẫn diễn ra, kể cả cấp độ 4, chỉ khác nhau về quy mô và công suất hoạt động.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Vũ Thế Bình chia sẻ, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của mọi người, không quá lo sợ Covid-19 mà dừng việc khôi phục và phát triển. "Cần khôi phục nhanh nhất hoạt động du lịch, vì đây là đầu tàu để lôi kéo các ngành, tất nhiên có những khó khăn nhưng cần sự nỗ lực, tích cực tận dụng mọi yếu tố để phát triển, đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường mới", ông Bình khẳng định. Cũng theo ông, Bình Định có tiềm năng vô cùng to lớn, đang tiệm cận trở thành trung tâm du lịch của Nam Trung Bộ, tương lai sẽ thu hút khách nhiều nhất ở khu vực miền Trung. Những địa phương nào muốn khôi phục lại du lịch sớm thì phải làm mạnh mẽ. Vấn đề quyết định ở đây là địa phương đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi còn các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các cách phòng chống Covid-19 từ địa phương.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết để triển khai được các kế hoạch đề ra, chúng ta cần mở cửa. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở địa phương mà là ở doanh nghiệp, du khách có tới hay không. Để du khách quay trở lại, đặc biệt là du khách quốc tế, chúng ta phải tạo ra điểm đến thật an toàn, hấp dẫn. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng FLC và Tổng cục Du lịch để tìm ra giải pháp “phá băng”, phục hồi du lịch. Bình Định coi doanh nghiệp là người bạn, người đồng hành bởi nếu không có các doanh nghiệp lữ hành làm tốt truyền thông, giới thiệu sản phẩm, tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc đón khách. Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã kết hợp chặt chẽ cùng FLC trong việc phát triển du lịch. Trong thời gian tới, du lịch miền Trung vào mùa thấp điểm nhưng đây lại là thời điểm hấp dẫn với khách du lịch quốc tế vì là kỳ nghỉ đông của họ. Bình Định sẽ chuẩn bị mọi điều kiện, kế hoạch cụ thể, khả thi nhất để có thể triển khai kế hoạch phát triển du lịch đề ra.
Trung tâm Thông tin du lịch