Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Ninh Thuận cần đẩy mạnh liên kết trong vùng, xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, thu hút du khách trong và ngoài nước
Các đại biểu dự hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái. Đặc biệt là Vườn Quốc gia Núi Chúa và Phước Bình còn mang đậm nét nguyên sinh. Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các tháp Chăm cổ kính, lễ hội Katê độc đáo, làng nghề gốm Bàu Trúc cổ xưa nhất Đông Nam Á... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, là nguồn tài nguyên văn hóa hiếm có để phát triển du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh tương xứng với tiềm năng, lợi thế, ông Nam nhấn mạnh, Ninh Thuận định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính, gồm 4 sản phẩm đặc thù là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa; 4 sản phẩm mới lạ gồm du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối, du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.
Tỉnh Ninh Thuận cũng ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư vào vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, dịch vụ du lịch chuyên đề như du lịch kết hợp đua mô tô địa hình trên cát, các môn thể thao dù lượn, lướt ván diều, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp... để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, có tính cạnh tranh cao nhằm thu hút nhiều hơn du khách trong nước và quốc tế đến Ninh Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt hiệu quả cao khi thành phố Hồ Chí Minh là thị trường gửi khách nội địa lớn nhất cả nước và là một trong những trung tâm trung chuyển, đầu mối tiếp nhận khách quốc tế. Ninh Thuận cần kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, từ đó tạo liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cụm tam giác “Nha Trang - Đà Lạt - Ninh Thuận”, để học tập kinh nghiệm thu hút khách của các địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi trội, hấp dẫn, đáp ứng số đông khách du lịch nội địa và quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Ninh Thuận đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa Ninh Thuận và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận để phát triển du lịch. TP. Hồ Chí Minh cần hỗ trợ giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, các hãng lữ hành lớn của thành phố Hồ Chí Minh và tổ chức một số đoàn khảo sát đến làm việc để kết nối với Ninh Thuận.
Ninh Thuận cần tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội có lợi thế của tỉnh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách nhằm định vị lại thương hiệu; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch.
Ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành (Ảnh: TITC)
Trước mắt, theo Tổng cục trưởng, Ninh Thuận cần phối hợp với Bình Thuận để chuẩn bị tổ chức các sự kiện du lịch hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ được tổ chức tại Bình Thuận, trên cơ sở đó tạo ra chuỗi các sản phẩm đặc trưng của vùng.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng cần tiếp tục triển khai tốt các văn bản chủ trương, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp, trong đó có Ninh Thuận trong các hoạt động nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn tới đây.
(Ảnh: TITC)
Tại hội nghị, các sản phẩm du lịch đặc sắc, tour tuyến mới của tỉnh Ninh Thuận đã được giới thiệu đến các đại biểu, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Trung tâm Thông tin du lịch