Non nước Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh: Chú trọng bảo tồn di sản kiến trúc

Cập nhật: 03/12/2021 09:16:50
Số lần đọc: 1120
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chuyên môn và chuyên gia, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 180 công trình kiến trúc được xếp hạng di tích cấp thành phố, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Những di sản kiến trúc này thuộc nhiều lĩnh vực và đang được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.


Tuy nhiên, do quy định về quản lý di sản kiến trúc chưa chặt chẽ nên một số di sản kiến trúc được sử dụng, khai thác quá mức hoặc bị chuyển đổi khỏi chức năng gốc, gây nguy cơ xuống cấp và mất dần giá trị. Không ít di tích còn đối mặt nguy cơ bị xâm lấn, xâm hại dưới nhiều hình thức, mức độ. Rất nhiều di sản kiến trúc ở thành phố không còn nguyên vẹn, đối diện nguy cơ biến mất do quá trình đô thị hóa, ưu tiên phát triển kinh tế, thiếu kinh phí để tôn tạo; việc tuân thủ pháp luật còn yếu, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp…

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, di sản kiến trúc là tài sản chung của cộng đồng. Vì vậy, bảo tồn di sản kiến trúc chính là bảo tồn những lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống tinh thần của cả cộng đồng. Bảo tồn di sản kiến trúc phải  luôn đi đôi với phát triển kinh tế, không chỉ có ý nghĩa về văn hóa, bảo tồn giá trị truyền thống, lịch sử mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế nói chung.

Thực tế cho thấy, ở nhiều nơi và nhiều quốc gia, làm kinh tế từ di sản kiến trúc được xem là một ngành kinh tế nghiêm túc, di sản kiến trúc được xem là “máy in tiền” và được đối xử “tử tế”. Từ đó, việc bảo tồn di sản kiến trúc cần được tiếp cận và nhìn nhận ở nhiều góc độ rộng hơn, không chỉ dưới lăng kính văn hóa mà còn là chính trị, xã hội và kinh tế.

Từ những lý do đó, công tác quy hoạch đô thị đòi hỏi phải có quy hoạch di sản kiến trúc. Thực hiện tốt yêu cầu này cũng đồng nghĩa với việc đưa ra được hướng bảo tồn tốt các di sản kiến trúc; các nhà quy hoạch, cơ quan quản lý chức năng và đơn vị  liên quan cần xác định và nhận thức đầy đủ giá trị không thể đánh đổi của di sản kiến trúc trong quá trình phát triển đô thị…

Giá trị trước mắt và lâu dài của di sản kiến trúc là điều không phải bàn cãi. Vấn đề cốt yếu là chúng ta cần xác lập, phân loại, xếp hạng để bảo tồn và phát huy đúng giá trị di sản kiến trúc như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Hệ thống pháp luật nói chung đã có nhiều quy định về cách thức bảo tồn, những điều được và không được làm để “bảo vệ toàn vẹn” giá trị truyền thống của di sản. Do đó, yêu cầu trên hết là vai trò của Nhà nước, cụ thể là ban quản lý di sản, chính quyền các cấp, các cơ quan và đơn vị quản lý ở địa phương, phải quan tâm đến di sản bằng cách vận dụng quy định của pháp luật để đưa những di sản này vào khuôn khổ pháp lý, bảo tồn một cách bài bản, khoa học.

Cùng với đó, cần tôn trọng và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học chuyên ngành trong thẩm định giá trị công trình kiến trúc và tìm kiếm giải pháp bảo tồn tối ưu. Cần coi trọng vai trò của doanh nghiệp (nhà đầu tư) trong bảo tồn và khai thác giá trị di sản kiến trúc. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ để doanh nghiệp tích cực tham gia công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; giúp công chúng có nhiều cơ hội tiếp cận di sản, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.

Việc công nhận, bảo tồn, khai thác di sản kiến trúc cần phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, bởi người dân sống chung quanh hiểu rõ nhất giá trị, vai trò của di sản và họ cần có tiếng nói quyết định về tương lai của di sản…

Hà Châu

 

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT