“Trà hài hòa thế giới - Nhã tập năm 2025” - Cơ hội thúc đẩy hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Quảng Tây, Trung Quốc
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu dự chương trình (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ cho biết, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, núi sông liền một dải, là người bạn thân thiết, là đối tác tin cậy và là đồng chí cùng chung lý tưởng, cùng chia sẻ tương lai. Năm nay kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng là “Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung” do lãnh đạo hai nước cùng nhất trí xác lập.
Trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, ngay sau chuyến thăm thành công tới Việt Nam mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, việc Quảng Tây tổ chức đoàn sang Việt Nam triển khai sự kiện quảng bá “Trà hài hòa thế giới - Nhã tập 2025" không chỉ là hành động thiết thực nhằm hiện thực hóa nhận thức chung cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, mà còn là biểu hiện sinh động của việc kế thừa tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy gắn kết nhân dân hai nước.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Ông Hà Vĩ cho biết, Trung Quốc là cái nôi của trà, có văn hóa trà lâu đời, phong phú và sâu sắc. Tinh thần “Trà hài hòa thế giới” hàm chứa những giá trị như “hòa nhập mà không hòa tan” và “cùng tôn vinh cái đẹp”, góp phần thúc đẩy xây dựng một cộng đồng nhân loại gắn kết, cùng chia sẻ tương lai. Việt Nam cũng là quốc gia có truyền thống văn hóa trà phong phú. Người dân hai nước cùng có chung niềm đam mê với trà, đây là nền tảng bền chặt để thúc đẩy giao lưu và hợp tác văn hóa trà trong thời gian tới.
“Lấy trà làm cầu nối, dùng trà kết tình thân”, hy vọng sự kiện sẽ là cơ hội thực hiện tốt Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, làm sâu sắc thêm quan hệ giao lưu và hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch... Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ luôn ủng hộ các địa phương hai nước tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa và du lịch, đồng thời tích cực xây dựng cầu nối giao lưu, mở rộng kênh hợp tác, nâng cao chất lượng dịch vụ, đóng góp thêm trí tuệ và sức lực cho việc thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa nhân dân hai nước.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng là “Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung”. Ngay từ đầu năm, hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa và du lịch đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhân dịp này, ông Hoàng Anh mong rằng hai bên sẽ cùng tận dụng cơ hội, lấy văn hóa trà làm niềm cảm hứng để thúc đẩy hợp tác hữu nghị và tầm nhìn phát triển ổn định, tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Với vai trò thúc đẩy tình hữu nghị hai nước, Hội hữu nghị Việt - Trung sẽ luôn đồng hành, ủng hộ hai nước tổ chức nhiều các hoạt động giao lưu nhân văn, qua đó làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa, Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán, trong đó có văn hoá thưởng trà. Văn hóa trà là nghệ thuật sống chậm giữa một thế giới đầy vội vàng, biến động - một nét đẹp sâu sắc, xứng đáng được trân trọng, gìn giữ và lan toả qua các thế hệ.
Việt Nam và Trung Quốc còn cùng chung dòng chảy lịch sử, chung lý tưởng cách mạng, đây là những di sản quý báu được hun đúc qua thời gian. Trong bối cảnh đó, chương trình ngày hôm nay mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt khi giới thiệu “Hành trình đỏ hữu nghị Việt - Trung tại Quảng Tây theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh” - hoạt động có giá trị sâu sắc trong việc tái hiện lịch sử, bồi đắp tình cảm hữu nghị và làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống giữa nhân dân hai nước.
Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)
Việc tái hiện và giới thiệu “Hành trình đỏ hữu nghị” là sự kết nối ý nghĩa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người dân hai nước - đặc biệt là thế hệ trẻ - hiểu hơn về mối quan hệ đặc biệt đã được xây dựng bằng mồ hôi, trí tuệ và tình cảm chân thành của các bậc tiền nhân, đồng thời mở ra những cơ hội mới để phát triển sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa liên quốc gia đầy tiềm năng.
Bộ VHTTDL Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước có thể kết nối, giao lưu và trải nghiệm vẻ đẹp văn hóa - thiên nhiên, cũng như những giá trị lịch sử quý báu thông qua các chương trình du lịch đầy ý nghĩa như chương trình “Hành trình hữu nghị đỏ”, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và thúc đẩy phát triển văn hoá - du lịch theo hướng bền vững.
Các lãnh đạo và đại biểu tham quan và thưởng trà tại chương trình (Ảnh: TITC)
Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã giới thiệu về chương trình Hành trình đỏ Hữu nghị Việt - Trung tại Quảng Tây theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây đến di tích cơ quan bí mật Đảng Cộng sản Việt Nam tại Long Châu, từ di tích Trường Dục Tài Nam Ninh đến Bệnh viện Nam Khê Sơn Quế Lâm, 13 di tích lịch sử như những chương sách sống động kể về ký ức cách mạng Việt - Trung sát cánh bên nhau. Từ đó thiết kế 06 tuyến du lịch chuyên đề, đáp ứng nhu cầu đa dạng như thực tiễn của thanh thiếu niên, trải nghiệm sâu sắc của du khách.
Các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc tại chương trình (Ảnh: TITC)
Trung tâm Thông tin du lịch