Non nước Việt Nam

Trên những buôn làng Tây Nguyên đổi mới

Cập nhật: 17/08/2022 10:51:54
Số lần đọc: 729
Vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ gồm năm tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với hơn 5 triệu người, phên dậu phía tây Tổ quốc là ngôi nhà chung của 47 dân tộc anh em cùng cư trú. Trong tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng thì đã có tới 2.800 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đi suốt Tây Nguyên hôm nay, từ triền núi Ngọk Linh phía bắc đến thung lũng đầu nguồn sông Đồng Nai phía nam, đâu đâu cũng gặp hình ảnh tươi mới, khởi sắc của những buôn làng…


Cô giáo và các học sinh mầm non người dân tộc Cơ Ho, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Chỉ có tận mắt chứng kiến và dõi theo qua nhiều giai đoạn, mới có thể cảm nhận sâu sắc sự đổi thay trên các buôn làng một thời chưa xa còn tập quán du canh du cư, cuộc sống vô cùng đói nghèo, cơ cực. Với hành trình cộng cảm của người làm báo Đảng, nhiều năm qua, bước chân chúng tôi đã trải nhiều cánh rừng, ngọn núi, nhiều buôn làng đồng bào. Càng có nhiều cơ hội đắm mình trong đời sống muôn màu Tây Nguyên, càng được thêm ghi nhận về sự phát triển kỳ diệu nơi xứ sở này.

Mùa thu này, chúng tôi có mặt ở Ngã ba biên giới, vùng đất tiếp giáp ba nước anh em Việt Nam, Lào và Campuchia, nơi “một tiếng gà ba nước đều nghe”. Cơ duyên đã đưa bước chân người làm báo đến với làng Đắk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), quê hương của đồng bào Brâu, một trong năm tộc người có dân số ít nhất nước với số dân chưa đến 500 người. Dạo gót buôn làng và ngắm những con đường rộng đẹp, những ngôi nhà, các công trình văn hóa cộng đồng khang trang cùng với những người dân no ấm, hạnh phúc trong không gian bình yên, thật ít ai ngờ rằng, nhóm người Brâu ít ỏi này đã từng một thời sống cuộc đời như con vượn, con nai giữa miền núi rừng heo hút giáp giới ba nước. Nữ già làng Y Pan, một trong những nữ già làng hiếm hoi của các tộc người Tây Nguyên, đã trò chuyện với chúng tôi trong xúc cảm hạnh phúc. Người phụ nữ 93 tuổi kể rằng, bà và chồng đều là cán bộ quân đội, từng vượt Trường Sơn ra miền bắc tập kết từ năm 1959 và tham gia xây dựng hậu phương lớn trên các miền quê Nghệ An, Hà Tây rồi lên miền Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên. Nước nhà thống nhất, hai ông bà cùng những người con mới trở về góp sức xây dựng làng buôn (bà từng là Đại biểu Quốc hội). Tuổi thượng thọ, bà Y Pan vẫn được đồng bào tín nhiệm bầu làm già làng. Nữ già làng chia sẻ với chúng tôi: “Ngày xưa, khi mới được đưa từ trong rừng về, đồng bào Brâu mình khổ và lạc hậu lắm, triền miên đói, rồi bệnh. Từ hồi đầu chỉ có nhà tre nứa và ăn củ rừng, sau được Nhà nước đầu tư với chính sách ưu tiên đặc biệt. Nay thì các con thấy đấy, đường sá, nhà cửa khang trang, người dân làm ăn khấm khá mà văn hóa truyền thống cũng được giữ gìn…”.

Chúng tôi cũng đã đến với làng S’Tơr Anh hùng Lực lượng vũ trang, quê hương của Anh hùng Đinh Núp. Còn đâu đó bên những ngọn núi, dòng suối hay trong câu chuyện với những người dân Bahnar nơi này ký ức về một làng buôn kiên trung trong kháng chiến. Đồng bào tự hào về một thời hào hùng, thời ông cha chỉ có bẫy đá, chông tre, cây ná đã dựng lên biểu tượng của “Đất nước đứng lên”. Hôm nay, S’Tơr trở thành vùng quê nông thôn mới với tất cả dáng vẻ hiện đại, khang trang, nhưng vẫn giữ những nét đẹp truyền thống dựng lên từ quá khứ tộc người và những kỳ tích kiên cường thời vệ quốc. Nhà lưu niệm Anh hùng Núp và khu du lịch Làng kháng chiến vẫn hằng ngày đón du khách muôn phương về trải nghiệm. Bà Đinh Thị Ghép, cháu gọi Anh hùng Núp bằng bác ruột, nói với chúng tôi: “Ngày xưa, ông cha theo lời Đảng, lời Bác Hồ đổ máu xương giành lại cánh rừng, ngọn núi; nay thì cháu con tiếp bước xây dựng buôn làng ngày càng đổi mới, đời sống ấm no, cùng bảo nhau gìn giữ văn hóa của người Bahnar…”.

Tôi cũng còn nhớ lời bà Ka Nhir ở xã Sơn Điền (Di Linh, Lâm Đồng), xã Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước: “Ngày xưa, người Cơ Ho chúng tôi tăm tối lắm. Cán bộ cách mạng về lập căn cứ, dạy dân đánh giặc và nói là sau này thống nhất đất nước sẽ giúp dân xây dựng đường sá, trường học, cho thầy thuốc về chữa bệnh. Đúng như lời hứa năm xưa, giờ đây tất cả những điều ấy đã có ở làng buôn”. Cũng như Sơn Điền của bà Ka Nhir, những buôn làng Tây Nguyên ngày xưa nhờ Đảng đã tìm ra đường sáng, trở thành những vùng chiến khu kiên trung một lòng theo cách mạng như Đắk Ui (Kon Tum), Nâm Nung (Đắc Nông), Chư Djũ (Đắk Lắk), Đồng Mang-Đạ Tro, Lộc Bắc, Lộc Lâm, Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng)… thì ngày nay cũng trở thành những mẫu hình khởi sắc, phồn vinh…

Hành trình qua mỗi buôn làng Tây Nguyên đổi mới hôm nay lại có thêm những cơ hội thấu hiểu về mạch nguồn thiêng liêng, nguồn mạch của lịch sử, văn hóa, của khí phách hào hùng và dòng chảy truyền thống đấu tranh không ngưng nghỉ. Mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi dân tộc anh em, mỗi buôn làng trên xứ sở đại ngàn đều hiện hữu sinh động lòng biết ơn Bác Hồ, thấm đẫm nghĩa tình với Đảng. Sức mạnh bất khuất tiềm tàng của núi, của nước, của những giấc mơ đấu tranh, chinh phục mà con cháu Đam San lưu giữ được những “người của Đảng” thổi cháy bùng lên. Trong kháng chiến là khí phách anh hùng, bất khuất; trong hòa bình là khát vọng dựng xây quê hương giàu đẹp và cuộc sống người dân ngày một thêm hạnh phúc.

Có thể nói, câu chuyện về một Tây Nguyên đổi mới được bắt đầu từ ngày nước nhà thống nhất. Lịch sử sang trang, đồng bào các dân tộc thiểu số thật sự được giải phóng khỏi đêm trường đói nghèo, lạc hậu; được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em. Từ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và nguồn lực tập trung đầu tư vào địa bàn chiến lược này ngày càng cao. Trên vùng đất năm tỉnh, khắp các buôn làng, phố thị cuộc sống ngày càng khởi sắc. Những công trình hạ tầng, phúc lợi được xây dựng nhiều hơn. Từ ngày định canh định cư, đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên lập vườn hộ, lập trang trại, kinh doanh làm giàu. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với gần 600 nghìn héc-ta cà-phê, 72 nghìn héc-ta hồ tiêu; cao-su, điều, rau, hoa và gia súc, gia cầm đều phát triển mạnh. GDP bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng. Đã có nhiều tỷ phú người dân tộc thiểu số. Bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy và những ưu đãi về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác đã giúp cho làng buôn mang hình ảnh mới, tươi sáng…

Trong kháng chiến, cán bộ-đảng viên đã sống chung với đời sống đói cơm, nhạt muối của đồng bào để cùng dân bám buôn làng, núi rừng đánh giặc, giành độc lập, tự do về cho Tổ quốc. Ngày nay, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng một Tây Nguyên phát triển bền vững, xây dựng những buôn làng kiên cường, bất khuất ngày xưa trở thành những vùng quê no ấm, hạnh phúc hôm nay. Trên hành trình gắn bó với Tây Nguyên, chúng tôi cũng luôn tin rằng, một ngày trở lại, những buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số như Đắk Mế, S’Tơr hay Đắk Ui, Nâm Nung, Chư Djũ, Lộc Bắc, Lộc Lâm… lại hiện lên những sắc thái mới về những vùng quê giàu đẹp, phồn vinh.

Uông Thái Biểu

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 17/8/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT