Tin tức - Sự kiện

Triển lãm kỷ vật Văn hoá Đà Lạt

Cập nhật: 18/06/2020 09:48:42
Số lần đọc: 894
Ngày 16/6, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Lâm Đồng đã long trọng khai mạc triển lãm “Kỷ vật văn hoá Đà Lạt” tại số 1 Lý Tự Trọng (Đà Lạt).
Triển lãm đưa đến công chúng hơn gần 1.500 hiện vật, hình ảnh như kể một câu chuyện dài về mảnh đất, con người Đà Lạt trải qua 127 năm hình thành và phát triển với 6 chủ đề: Ký ức Bazan, Nguyên quán,  Âm trầm, Khoảng lặng, Thời ấy, Khám phá. Phần “Ký ức Bazan” là những kỷ vật, dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của người Lạch (một nhóm của dân tộc K’Ho) sinh sống lâu đời trên cao nguyên LangBiang với cồng chiêng, thổ cẩm, choé, đồ trang sức, gùi, các loại nhạc cụ tre nứa… Từ những năm 20 của thế kỷ XX, cư dân từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về đây lập nghiệp mang theo tên xã, tên làng làm nên những: Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành, Tùng Lâm, Đa Phú, Nam Thiên. Trong hành trình đến xứ sở mộng mơ, họ mang trên vai hành trang từ quê nghèo, đó là những hiện vật trong phần “Nguyên quán” nhắc nhớ về cội nguồn như: Nồi đồng, mâm đồng, bàn ủi than bằng đồng, cân móc, chiếc đèn dầu, bộ đồ nghề, công cụ lao động, tráp cau trầu, trang phục áo dài… 
 
Phần “Âm trầm”, “Khoảng lặng”, “Thời ấy” là không gian trưng bày các ấn phẩm văn hoá và phương tiện nghe nhìn của người Đà Lạt từ những năm 1950 – 1990 với băng đĩa, sách “gối đầu giường”, những thước phim quý về Đà Lạt một thời, máy chiếu phim những năm đầu giải phóng, máy đánh chữ, bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc bằng bút lửa đầu tiên năm 1976, những chiếc xe đạp như một gia tài, tem phiếu, các loại giấy tờ hành chính đã phai màu mực; những con người một thời ghi dấu ấn ở Đà Lạt như vợ chồng nhạc sĩ – ca sĩ Uyên – Phương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những phòng trà, quán cà phê… Cuối cùng, phần “Khám phá” là không gian trang trọng dành riêng cho người có công khám phá ra miền đất xinh đẹp, đặt nền móng cho người Pháp xây dựng nên thành phố Đà Lạt. Đó là những hình ảnh, hiện vật, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ A.Yersin, những đóng góp của ông với nền y học của nhân loại và với Việt Nam, với Đà Lạt. 
 
Ông Hoàng Mạnh Tiến – Giám đốc Trung tâm VHNT Lâm Đồng cho biết, để có một số lượng hiện vật lớn, đa dạng, phong phú đưa đến công chúng là kết quả của quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm, nâng niu, gìn giữ, sắp đặt của những người con sinh ra, lớn lên được đắm mình trong không gian văn hoá, dành tình yêu trọn vẹn cho Đà Lạt. Từ những hiện vật đã vương bụi thời gian, triển lãm đưa đến cho người xem cái nhìn tổng thể chân thực về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Đà Lạt qua nhiều thời kỳ lịch sử ở cả bề rộng lẫn chiều sâu; đồng thời, ghi nhận công lao và tri ân nhiều thế hệ người dân Đà Lạt là những người từ nhiều vùng miền của đất nước do nhiều hoàn cảnh khác nhau đã hội tụ về miền đất này. Trải qua hơn trăm năm biết bao biến động, thăng trầm, họ đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó lao động, sáng tạo cùng nhau xây dựng thành phố; đồng thời, truyền cho con cháu những truyền thống văn hoá tốt đẹp mà họ mang theo từ quê hương, bản quán hoà quyện vào miền đất cao nguyên xinh đẹp. Từ đó đã tạo nên nét đẹp văn hoá riêng trong nếp nghĩ, nếp sống, trong ăn, mặc, giao tiếp, ứng xử. 
 
Với mong muốn mang đến cho du khách một điểm đến du lịch văn hoá trong mùa hè này, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng vào cuộc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Đà Lạt “Hiền hoà, thanh lịch, mến khách”, triển lãm sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 9/2020, mở cửa tất cả các ngày trong tuần. 

 

Nguồn: Báo Lâm Đông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT