Non nước Việt Nam

Trường Taberd Sóc Trăng, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử

Cập nhật: 26/09/2023 15:44:18
Số lần đọc: 879
Khu di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Trường Taberd Sóc Trăng là nơi đã ghi dấu một sự kiện cách mạng có ý nghĩa quan trọng. Là nơi đón tiếp, an dưỡng đoàn chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng từ ngục tù của thực dân Pháp ngoài Côn Đảo xa khơi trở về đất liền.


Khu di tích tọa lạc tại số 19, Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trước đây là trường tiểu học nội trú của tổ chức công giáo Pháp, được xây dựng vào năm 1912; có khuôn viên rộng 11.128m2, với sức chứa vài ngàn người. Ngôi trường đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đó là sự kiện Xứ ủy Nam kỳ giao cho Tỉnh ủy Sóc Trăng một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách về việc tổ chức đón rước các chiến sĩ bị tù đày ở Côn Đảo trở về. Đồng chí Tưởng Dân Bảo được cử trực tiếp đến Sóc Trăng giao nhiệm vụ và cùng với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức thực hiện. Sáng ngày 16/9/1945, đoàn tàu gồm 29 chiếc do đồng chí Tưởng Dân Bảo hướng dẫn cùng với các đồng chí Đoàn Văn Tố, Tư Đước, Sáu Chô, Tám Máy, Nguyễn Văn Tư, Phan Thành Sâm… vượt biển ra Côn Đảo. Ngày 23/9/1945, đoàn tàu chở hơn 1.800 cán bộ, chiến sĩ từ Côn Đảo về tới Đại Ngãi, trong đó có các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương... Sau vài giờ lưu lại Đại Ngãi, đoàn tiếp tục về tỉnh lỵ Sóc Trăng. Và Trường Taberd với khuôn viên rộng rãi và ở cạnh bên cầu Nổi đã được chọn làm nơi dừng chân, nghỉ dưỡng của các chiến sĩ ở Côn Đảo trở về.

Đồng chí Dương Kỳ Hiệp dẫn đầu đoàn cán bộ Tỉnh ủy Sóc Trăng ra tận nơi đón đoàn, hướng dẫn, đưa đoàn về Trường Taberd Sóc Trăng để nghỉ ngơi và chăm sóc trong sự chào đón nhiệt tình giữa rừng đuốc, rừng cờ và biểu ngữ của nhân dân. Hàng chục tấn gạo, đường, muối, hàng trăm con heo, gà, vịt và hàng ngàn bộ quần áo, chăn, chiếu, mùng, ván… được nhân dân quyên góp để chuẩn bị đón đoàn. Riêng chiếc ca nô “Giải phóng” của đồng chí Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Hùng Phước chở các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ do đi chệch hướng nên đã cập vào Cồn Nóc (cửa biển Mỹ Thanh, huyện Vĩnh Châu) được bà con tiếp đón ân cần, hôm sau mới về tập trung với đoàn tại Trường Taberd. Sau ngày 30/9/1945, đoàn chiến sĩ tù chính trị Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới.

Thầy và trò Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông iSchool Sóc Trăng trong tiết học Giáo dục địa phương tại Khu di tích - Ảnh: Hoàng Phúc

Trải qua hai thời kỳ kháng chiến, trong số các chiến sĩ bị tù đày ở Côn Đảo trở về năm xưa, có những đồng chí trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và nhiều đồng chí khác trở thành cán bộ cấp cao.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện, ngày 11/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận Trường Taberd Sóc Trăng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

Khu di tích gồm nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Trường Taberd; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông iSchool Sóc Trăng và Trường Mẫu giáo 1/6. Riêng Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử Trường Taberd có diện tích trên 200m2. Tuy diện tích không lớn, nhưng những dấu ấn, các hiện vật được trưng bày bên trong là cả một kho tàng chất chứa những kỷ niệm, hiện vật vô giá. Tổng thể nhà trưng bày được chia thành các gian trưng bày sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; trưng bày các sơ đồ, hình ảnh về nhà tù Côn Đảo, cảnh ghi lại hình ảnh đón tiếp đoàn tù chính trị, cảnh sinh hoạt trong sân trường, mô hình chiếc ca nô do Bác Tôn lái cùng 12 chiến sĩ từ nhà tù trở về đất liền…

Đồng chí Trần Ngọc Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Truyền thanh thành phố Sóc Trăng cho biết: “Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Truyền thanh thành phố Sóc Trăng quản lý Khu di tích Trường Taberd; bố trí nhân viên trực, thuyết trình tại khu di tích. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp Thành đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng lồng ghép chương trình hành trình giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, học sinh qua các buổi sinh hoạt tại Khu di tích Trường Taberd”.

Khu di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Trường Taberd Sóc Trăng cũng là nơi du khách khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương. Đặc biệt, khu di tích là địa điểm học tập của các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh, thông qua chương trình sinh hoạt ngoại khóa của các trường học, làm phong phú thêm hình thức giáo dục truyền thống cách mạng địa phương một cách trực quan sinh động hơn. Thầy Võ Thái Sang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông iSchool Sóc Trăng chia sẻ: “Giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường rất tự hào khi được làm việc, giảng dạy và học tập dưới ngôi trường có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Đồng thời, còn vinh dự và tự hào hơn khi đây là Khu di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho các em học sinh ôn lại lịch sử cách mạng của nơi mà các em đang theo học, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và hấp dẫn”.

Em Nguyễn Quan Huy - Lớp 11B (Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông iSchool Sóc Trăng) tâm tình: “Khu di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia Trường Taberd Sóc Trăng giúp em tìm hiểu thêm về lịch sử địa phương, ý nghĩa của di tích lịch sử, giúp cho chúng em có thêm nhiều kiến thức trong học tập môn giáo dục địa phương”.

Qua việc đón rước và chăm sóc đoàn chiến sĩ bị tù đày ở Côn Đảo trở về, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa đặc biệt, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo Sóc Trăng - baosoctrang.org.vn - Đăng ngày 26/9/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT