Truyền thông số góp phần truyền tải hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn sau khi mở cửa trở lại
Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã chủ động thích ứng linh hoạt, phát triển các nền tảng số để đẩy mạnh truyền thông. Qua đó, đã hình thành một hệ sinh thái truyền thông số gồm có các website và mạng xã hội đa dạng như Facebook, YouTube, Zalo, Viber, Instagram... Hạ tầng kỹ thuật, nội dung thông tin, video clip, hình ảnh được chú trọng đổi mới đa dạng, phong phú để đáp ứng yêu cầu truyền thông chính sách, quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong tình hình mới.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách phục hồi du lịch
Thông qua các kênh truyền thông số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch, đặc biệt là thông tin về chính sách thông thoáng mở cửa du lịch Việt Nam được cập nhật nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. Cùng với đó, các chương trình xúc tiến kích cầu du lịch, các hoạt động quản lý chuyên ngành du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được tuyên truyền rộng rãi đến các địa phương, doanh nghiệp, du khách.
Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành du lịch nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn bao giờ hết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng đã đích thân chủ trì 3 hội nghị lớn về du lịch, gồm có: Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (tháng 12/2022); Hội nghị toàn quốc về du lịch (tháng 3/2023) và Hội nghị phát triển du lịch nhanh, bền vững (tháng 11/2023). Kết quả của các hội nghị quan trọng này là Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch Việt Nam toàn diện, nhanh và bền vững. Công tác truyền thông đã luôn bám sát, tập trung triển khai trước, trong và sau sự kiện, nhất là truyền thông về những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phát triển du lịch cũng như trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, địa phương cùng đồng hành trong công cuộc phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam.
Các Nghị quyết 127/NQ-CP và Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về chính sách thị thực và xuất nhập cảnh mới được áp dụng từ ngày 15/8/2023 được xem là chính sách đột phá nhằm tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Những chính sách này được tập trung quảng bá mạnh trên tất cả các kênh truyền thông số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhất là trên các kênh hướng đến thị trường quốc tế.
Năm 2023, một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam là tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch tại nhiều địa phương ở cả 3 miền đất nước. Thông qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, sai phạm nhằm mục tiêu bảo đảm môi trường hoạt động kinh doanh du lịch lành mạnh, bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách. Đồng thời, Cục tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Xây dựng dự thảo “Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045” báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện để trình Chính phủ. Khi được phê duyệt, đây sẽ là văn bản quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch các vùng miền, địa phương trên cả nước trong giai đoạn tới. Tất cả các hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng chính sách trong lĩnh vực du lịch đã được truyền tải thường xuyên, liên tục trên các kênh truyền thông số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhất là thông qua chuyên mục Truyền thông chính sách trên website du lịch quốc gia https://vietnamtourism.gov.vn.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã xây dựng và cho ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn tại địa chỉ https://nongthon.vietnamtourism.gov.vn để tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh du lịch nông thôn, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị.
Quảng bá nâng tầm hình ảnh du lịch Việt Nam trên thế giới
Quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn đến với du khách quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch sau khi mở cửa trở lại. Trong bối cảnh mới, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tập trung đổi mới phương thức truyền thông, đa dạng hóa các kênh truyền thông và nội dung truyền thông. Trong đó đẩy mạnh quảng bá trên website du lịch quốc gia https://vietnam.travel kết hợp với các nền tảng mạng xã hội khác nhau như Facebook, Instagram, YouTube, Zalo, Viber... để tận dụng hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Nội dung truyền tải ngày càng phong phú thông qua bài viết, hình ảnh, video clip, infographic... để gia tăng hiệu quả truyền thông.
Thông qua các kênh truyền thông số, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách quốc tế. Trong đó tập trung vào giới thiệu những loại hình du lịch thế mạnh của Việt Nam như du lịch biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch thiên nhiên sinh thái, du lịch thành phố, du lịch ẩm thực, du lịch MICE. Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của du khách sau dịch bệnh cũng được quảng bá như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch golf, du lịch nông thôn. Qua đó, hình ảnh một Việt Nam xinh đẹp, an toàn, thân thiện và đa dạng dịch vụ đẳng cấp, chất lượng được đưa đến với du khách trên toàn thế giới.
Với những nỗ lực đẩy mạnh quảng bá, website du lịch quốc gia chuyên trách quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài https://vietnam.travel tăng hạng mạnh trên thế giới. Tháng 10/2022, website được xếp hạng #152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất so với các đối thủ trong khu vực. Tháng 2/2023, website xếp hạng #128.229 trên thế giới, tương đương với Thái Lan. Kết quả tăng trưởng vượt bậc của website https://vietnam.travel phản ánh hiệu quả cao trong việc triển khai công tác tiếp thị du lịch Việt Nam ra nước ngoài trên nền tảng số của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, góp phần quảng bá, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Đáng chú ý, chương trình truyền thông trên YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” tiếp tục được Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đẩy mạnh triển khai thông qua sản xuất các video clip quảng bá hình ảnh tươi đẹp của du lịch Việt Nam, lan tỏa động lực khám phá các điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam tới du khách khắp nơi trên thế giới. Các video clip nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, thu hút hàng triệu lượt view. Ngày 5/11/2022, Chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đã vinh dự được trao Giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Giải thưởng là sự ghi nhận đối với sức lan tỏa của chương trình “Việt Nam: Đi Để Yêu!” đóng góp tích cực vào việc quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam đến với đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Sự hiệu quả của công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã góp phần gia tăng mạnh lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong hai năm qua. Đặc biệt, từ ngày 15/3/2022 khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến có mức tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới. Năm 2023, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu - xếp trên các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12), Philippines (14).
Trung tâm Thông tin du lịch