Tin tức - Sự kiện

Ứng dụng chuyển đổi số nhìn từ Bảo tàng Đà Nẵng

Cập nhật: 27/10/2021 11:04:05
Số lần đọc: 862
Hơn 1,5 năm qua, trước tác động và ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra, nhận thấy nhu cầu tiếp cận thông tin trên môi trường Internet và mạng xã hội rất cao, nhất là giới trẻ, đội ngũ những người làm công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng đã tận dụng thế mạnh của công nghệ số để xây dựng bảo tàng mở nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận, thu hút công chúng.  

Những nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác tại Bảo tàng Đà Nẵng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hút, kéo công chúng đến với bảo tàng

Tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đà Nẵng qua video, clip

Bằng sự nỗ lực tự thân, thông qua các sưu tập hiện vật cùng hệ thống trưng bày hiện tại, hơn 1,5 năm qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã cho ra đời 11 video clip tái hiện các câu chuyện lịch sử, giới thiệu các di sản văn hóa gắn với đất và người Đà Nẵng gửi đến công chúng. Điều đáng trân trọng là, tất cả đều được thực hiện bởi đội ngũ “tay ngang”, không chuyên ngành về báo chí truyền hình. Các video này được đăng tải trên website cùng 4 trang mạng xã hội của Bảo tàng Đà Nẵng: facebook, youtube, zalo, instagram. 

Trong đó, video clip “Ghen cô vy” thu hút 5.000 lượt xem; “Lễ hội Quán Thế Âm” thu hút 1.698 lượt xem với nhiều phản hồi, bình luận tích cực từ công chúng. Đơn cử: “Thật hữu ích và cảm ơn Bảo tàng đã có hình ảnh về ngày Quan âm Bồ tát để mình hiểu hơn về Đà Nẵng của mình” (facebook thi nguyen phan), hay: “Mình thích thông điệp được truyền tải của phóng sự. Hiểu biết về lịch sử không nhằm để khơi gợi nỗi đau và hận thù, mà để hướng đến một hiện tại và tương lai hòa bình và hòa hợp. Cảm ơn các bạn đã thực hiện một video ý nghĩa!” với video “Chiến tranh và hòa bình- WAR AND PEACE (30/4/1975 – 30/4/2020) của Lý Hòa Bình; hoặc video “Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Đà Nẵng” (29/3/1975 – 29/3/2020) thu hút 1.016 lượt xem…

Ông Trần Văn Chuẩn- Trưởng phòng Giáo dục- Truyền thông Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, thì từ khi đăng tải các video clip, kênh YouTube Bảo tàng Đà Nẵng - Da Nang Museum đã gia tăng đáng kể lượt người đăng ký theo dõi kênh, gấp 3 lần so với thời điểm trước khi đăng tải video. Trong 11 video, clip sản xuất được trong hơn 1,5 năm qua, ngoài các nội dung liên quan đến văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng và Quảng Nam- Đà Nẵng, điều đáng ghi nhận đối với những người làm công tác Bảo tàng Đà Nẵng là sự chủ động xây dựng và thực hiện các video tuyên truyền, cổ động công tác phòng, chống dịch COVID- 19 kết hợp truyền thông, quảng bá hình ảnh Bảo tàng Đà Nẵng đến với công chúng qua các video “Ghen cô vy”, “Tiếp lửa nơi tuyến đầu”, “Chúng tôi đã trở lại - Welcome back to Da Nang Museum”.

Được biết, tính đến thời điểm này, ngoài web và trang bandosodisan, Bảo tàng Đà Nẵng đã cho ra mắt 6 trang mạng xã hội: facebook, zalo, youtube, instagram, tiktok, twitter.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện- Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, để làm ra những video này là cả sự nỗ lực của cả tập thể, trong đó đáng ghi nhận nhất là đóng góp lớn của đội ngũ cán bộ Phòng giáo dục - truyền thông. “Là sản phẩm được làm từ “cây nhà lá vườn”, thực hiện bằng chính các phương tiện kỹ thuật hiện có của cơ quan và cá nhân như: máy ảnh, máy tính, điện thoại…, nên trong quá trình thực hiện, anh em chủ yếu tự học hỏi cách quay, cách dựng, viết kịch bản, chuẩn bị hậu kỳ, đọc lời bình sao cho dễ nghe, không bị nuốt chữ… Song song, áp lực về yêu cầu phải sáng tạo, ý tưởng mới lạ, độc đáo trong quá trình thực hiện video để tránh gây sự nhàm chán cho người xem, cũng là một thách thức không nhỏ đối với anh em cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng”, ông Quốc Thiện nhìn nhận.

Nỗ lực đưa Bảo tàng đến gần công chúng hơn

Ngoài các sản phẩm cây nhà lá vườn trên, trong năm 2021, đội ngũ những người làm công tác Bảo tàng Đà Nẵng còn thử nghiệm triển khai xây dựng “Triển lãm trực tuyến” trên nền tảng website của bảo tàng.

“Từ ý tưởng đi đến bắt tay thực hiện, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, bảo tàng chưa có điều kiện để xây dựng riêng một chức năng “Triển lãm trực tuyến” tích hợp trên website, cũng như việc phải thiết kế, xây dựng các tư liệu, hình ảnh sao cho phù hợp với chủ đề và mang đến cho công chúng cảm giác chân thật, thích thú như khi đi tham quan trực tiếp tại Bảo tàng. Qua quá trình nghiên cứu tìm hiểu, chúng tôi đã chọn nội dung “Đô thị biển Đà Nẵng qua tài liệu lưu trữ” để làm thử nghiệm triển lãm online dựa trên một số chức năng có sẵn của website.

Triển lãm đã giới thiệu với công chúng các tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển của đô thị biển Đà Nẵng từ trong lịch sử đến ngày nay. Tuy chỉ mới là sự tiếp cận ban đầu, triển lãm đã đáp ứng được một số tính năng và chất lượng hình ảnh để mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho công chúng khi tham quan trực tuyến và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người xem. Trong thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển hình thức “Triển lãm trực tuyến” trên không gian mạng, song song với hình thức triển lãm truyền thống để đa dạng hơn trong cách tiếp cận, mang bảo tàng đến gần hơn với công chúng”, ông Trần Văn Chuẩn chia sẻ.

Ngoài việc nỗ lực tìm mọi cách để thu hút, “kéo” công chúng đến với Bảo tàng Đà Nẵng bằng việc tăng cường khai thác, ứng dụng và phát huy hiệu quả công nghệ số,  trong thời gian Đà Nẵng thực hiện nhiều đợt giãn cách để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các công tác về kiểm kê và bảo quản hiện vật vẫn được duy trì thường xuyên để sẵn sàng đón khách quay trở lại khi cho phép. Hiện Bảo tàng Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho việc tổ chức Ngày hội di sản 2021, hoạt động kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trực thuộc T.Ư trên cơ sở tùy thuộc vào tình hình thực tế. Đặc biệt, tập trung xây dựng đề cương chi tiết cho xây dựng bảo tàng mới tại số 42 Bạch Đằng; cũng như phối hợp với bên tư vấn để làm phương án thiết kế nội thất trưng bày sau khi Bảo tàng Đà Nẵng được dời về nơi ở mới tại 42 Bạch Đằng.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo tàng đã được Bảo tàng Đà Nẵng triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo tàng nhằm thích ứng với tình hình mới bởi ảnh hưởng, tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra là hướng đi tất yếu. Và những gì mà mà Bảo tàng Đà Nẵng đã làm được trong thời gian qua là điều đáng được ghi nhận.

Khánh Yên

 

Nguồn: cadn.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT