Non nước Việt Nam

Về Bảo tàng Quang Trung, thăm cây me, giếng cổ của nhà Tây Sơn (Bình Định)

Cập nhật: 03/08/2023 14:31:02
Số lần đọc: 917
Trong quần thể Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), ngoài Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được nhiều người biết, nổi tiếng với vai trò di tích lịch sử còn có cây me và giếng cổ tồn tại trong lòng người dân địa phương với sự linh thiêng, thành kính.


 Trong chuyến thăm và làm việc tỉnh Bình Định hồi tháng 7 năm nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm giếng cổ của nhà Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung

Cho đến nay, tại Bảo tàng Quang Trung, trong khu vườn cũ của gia đình nhà anh em Tây Sơn vẫn còn lưu giữ hai di tích cực kỳ quý giá, đó là giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền là có từ thời cụ Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn).

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho hay, cách đây khoảng 250 năm, sau khi kết duyên với cụ Nguyễn Thị Đồng (ngụ làng Phú Lạc, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn), cụ Hồ Phi Phúc đến cạnh bến Trường Trầu (thuộc làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) xây dựng một ngôi nhà khang trang để ở và tiện buôn bán trầu cau. Lúc đó, trong sân nhà, cụ Phúc trồng một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải. Sau đó, ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lần lượt chào đời trong ngôi nhà này. Hằng ngày, ba anh em thường ra sân tập võ dưới gốc me. Đến khi mệt, họ sang ngồi quanh giếng uống nước, trò chuyện.

Theo ông Tú, sau khi khởi nghĩa Tây Sơn, cũng tại cây me, giếng nước đó, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì nhiều cuộc luận bàn quốc sự cùng văn thần - võ tướng. Sự nghiệp của nhà Tây Sơn hầu như gắn chặt với cây me, giếng nước trong vườn nhà ngay từ lúc dấy binh, xuyên suốt một thời kỳ lịch sử lẫy lừng. “Giếng nước ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8m, đường kính gần 1m. Sau này, để bảo vệ giếng nên Bảo tàng Quang Trung mới xây thêm thành giếng và hàng rào bảo vệ như ngày nay”, ông Tú chia sẻ.

Theo lời kể của ông Tô Đình Minh (người gắn bó với giếng nước từ thuở bé, bây giờ là thợ chụp ảnh ở Bảo tàng Quang Trung), ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn nhưng giếng trong điện thờ vẫn đầy nước.

 Cây me cổ thụ trong khu vườn nhà Tây Sơn Tam Kiệt

Không chỉ có người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung đều thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, rồi ra giếng uống nước, rửa mặt với niềm tin sẽ có sức khỏe và nhận được điều may mắn. Các bậc cao niên trong làng cho rằng uống nước giếng này sẽ được hưởng lộc tổ tiên, uống mạch nguồn nơi chôn nhau cắt rốn của Tây Sơn Tam Kiệt nên trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.

Kế bên trái điện là cây me cổ hơn 300 tuổi, cao 24m, đường kính thân 1,2m, đường kính gốc 3,9m, tán lá che phủ hơn 600m² và đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp bằng công nhận Cây di sản năm 2011. Đây cũng là cây cổ thụ đầu tiên và duy nhất ở Bình Định được công nhận Cây di sản.

Hằng năm, UBND tỉnh Bình Định đều cấp kinh phí cho Bảo tàng Quang Trung mua thuốc phun diệt trừ sinh vật gây hại để bảo vệ thân cây me. Hàng trăm năm trôi qua, cây me vẫn sum sê cành lá, đến mùa ra trái trĩu cành. Người trong làng Kiên Mỹ nhớ lại, hồi kháng chiến chống Pháp bắn phá ác liệt nhưng vùng Kiên Mỹ không hề hấn gì. Người dân trong vùng tin rằng đó là nhờ cây me che chở dân lành, nên mỗi khi đi qua cây me ai cũng kính cẩn cúi đầu.

Với khuôn viên rộng 150.000m2, Bảo tàng Quang Trung là một trong những bảo tàng danh nhân lớn và thu hút rất nhiều khách đến tham quan du lịch, học tập. Theo đó, bảo tàng gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông Tây Nguyên... Trong khi đó, Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt được khởi dựng năm 1823, trên nền ngôi nhà thuở sinh thời 3 anh em nhà Tây Sơn. Năm 2014, khu Đền thờ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tháng 2.2022, UBND tỉnh Bình Định đã khánh thành Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thuộc Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung. 

 Phan Hiếu

Nguồn: Báo Văn Hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 02/08/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT