Hành trang lữ khách

Về Lạc Thủy tìm dấu ấn nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam

Cập nhật: 23/05/2022 09:38:32
Số lần đọc: 828
Cuối thế kỷ XIX (1893 - 1899), thực dân Pháp liên tục cho các nhà tư sản vào huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) chiếm đất lập đồn điền, khai thác lâm thổ sản, trong số đó có đồn điền Chi Nê của một người Pháp tên là E-nét Bô-ren ở xã Cố Nghĩa. Năm 1943, ông Bô-ren bán lại đồn điền này cho gia đình nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện - người có công lao lớn với Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam trong những ngày đầu thành lập. Năm 1946, nơi đây trở thành trụ sở nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam và vinh dự 2 lần đón Bác Hồ về thăm.


Du khách thăm nhà máy in tiền đầu tiên của Chính quyền Cách mạng Việt Nam tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Nhà tư sản Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) là người Hà Nội. Từ khi còn trẻ, ông đã là một trong những nhân sĩ trí thức hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở cả trong và ngoài nước. Ông và vợ là bà Trịnh Thị Điền đều là những nhà tư sản yêu nước thành công trong việc kinh doanh, vì thế, có điều kiện đóng góp về tài chính cho Đảng và ủng hộ Chính quyền Cách mạng trong những ngày đầu thành lập.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập nhưng công cuộc bảo vệ và xây dựng chính quyền gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế. Ngày 4-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh đặt ra Quỹ Độc lập. Ông Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương. Khi Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi người dân hưởng ứng Tuần lễ vàng, gia đình ông đã đóng góp 10 vạn đồng Đông Dương (trị giá 4kg vàng) và 100 lạng vàng (trong khi cả nước mới quyên góp được 300 lạng). Ngoài ra, ông Đỗ Đình Thiện còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ với giá 1 triệu đồng Đông Dương, sau đó tặng cho Ủy ban Kháng chiến hành chính thành phố Hà Nội.

Sau cách mạng, ngân quỹ Nhà nước chỉ còn 1.250.000 đồng bạc Đông Dương. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ ta xác định phải nhanh chóng phát hành đồng tiền độc lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 15-11-1945, Cơ quan Ấn loát trực thuộc Bộ Tài chính được thành lập với nhiệm vụ sản xuất đồng tiền Việt Nam mới. Thời gian đầu, một số nhà in tư nhân được trưng dụng để in tiền. Nhưng do nhu cầu ngày càng lớn, Bộ Tài chính đã nhờ ông Đỗ Đình Thiện mua lại nhà in Tô - panh của Pháp và hiến cho Chính phủ. Từ đây, Chính phủ có nhà in riêng mang tên Việt Nam quốc gia Ấn thư cục.

Tháng 3-1946, quân Tàu Tưởng và thực dân Pháp thường xuyên tìm cách khiêu khích, phá hoại cơ sở cách mạng của ta. Vì vậy, một bộ phận của nhà in được sơ tán lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện ở xã Cố Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình). Tháng 11-1946, toàn bộ máy móc còn lại được chuyển lên để tiếp tục in tiền phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại đây, tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam “trâu xanh” (trên tờ bạc có hình con trâu màu xanh) có mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ đã ra đời.

Theo lời kể của bà Đỗ Đình Thiện được Bảo tàng Hồ Chí Minh ghi lại năm 1985, sáng 19-2-1947, Bác Hồ đến thăm đồn điền Chi Nê cùng khu nhà ở của công nhân và một số gia đình người Mường. Đêm đó, Bác lên đường đi Thanh Hóa và trở lại Chi Nê sáng 21-2-1947. Tại đây, Bác đã nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy in tiền và thăm đồng bào địa phương, động viên nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Ngày 22-2-1947, máy bay thực dân Pháp oanh tạc ác liệt đồn điền Chi Nê. Cơ quan Ấn loát bị trúng đạn. Rất may là trước đó, nghe lời Bác, lãnh đạo nhà máy đã cho sơ tán máy in vào hang đá trong khu vực đồn điền nên vẫn được an toàn. Tháng 3-1947, nhà máy in tiền được di chuyển lên xã Tràng Đà (Tuyên Quang), sau đó lại chuyển về xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Từ đây, nhà máy in tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào hoạt động ổn định và mang tên mới là Cơ quan Ấn loát đặc biệt Trung ương.

Năm 1960, Bác Hồ lại về thăm nhân dân huyện Lạc Thủy và đồn điền Chi Nê xưa, khi đó đã trở thành Nông trường quốc doanh Sông Bôi. Đây là mô hình sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với thành phần chính là lực lượng công nhân, trong đó có đoàn 656 - đơn vị bộ đội miền Nam tập kết, làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Nơi đoàn 656 đóng chính là nơi Ban giám đốc nhà máy in tiền ở và làm việc năm 1946 - 1947. Sự kiện Bác về thăm Lạc Thủy và Nông trường quốc doanh Sông Bôi đã làm bừng lên khí thế cách mạng mới trong lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, Khu di tích Đồn điền Chi Nê và nhà máy in tiền đầu tiên của Chính quyền Cách mạng tại xã Cố Nghĩa đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn của huyện Lạc Thủy. Tới đây, du khách không chỉ được nghe kể về lòng yêu nước, sự hy sinh to lớn của gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện mà còn hình dung rõ nét hơn về quá trình hình thành, phát triển của nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam trong những năm kháng chiến ác liệt.

Nhận thấy tầm quan trọng và giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của Khu di tích Đồn điền Chi Nê và nhà máy in tiền tại xã Cố Nghĩa, UBND huyện Lạc Thủy và tỉnh Hòa Bình đã quan tâm đầu tư, tôn tạo các hạng mục công trình; bảo tồn và phát huy giá trị của di tích cùng hệ thống tư liệu, hình ảnh, biển bảng chỉ dẫn song song với việc xây dựng sản phẩm, liên kết các tuyến điểm lân cận nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.\

Bài và ảnh: Nguyễn Trung

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 23/05/2022

Cùng chuyên mục