Về làng “quanh năm ăn cơm nếp” ở Gia Lai
Sau cơn mưa đầu mùa, chúng tôi có một hành trình về ngôi làng được mệnh danh “quanh năm ăn cơm nếp” này với nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Xuất phát từ TP. Pleiku, chúng tôi trải qua đoạn đường hơn 50 km, trong đó có một đoạn đèo khá quanh co, uốn lượn, hai bên đường xanh mát bóng cây. Con đèo này dài khoảng 2 km, người dân nơi đây gọi là Cổng trời.
Dừng chân phía bên đèo, phóng tầm mắt về phía xa là mênh mông lòng hồ thủy điện Ialy, thấp thoáng những ngôi nhà của người Jrai ở làng Dôch 1 (xã Ia Kreng) khiến cho bức tranh thiên nhiên thêm tuyệt mỹ.
Làng Díp (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh) còn được biết đến với tên gọi là làng “quanh năm ăn cơm nếp”. Ảnh: V.T.T
Như đã hẹn trước, anh Phạm Thanh Xuân đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã. Chỉ tay về phía đối diện, anh Xuân cho biết phía trên là đỉnh núi Chư Păh. Khu vực này có một con suối nhỏ là nơi trú ngụ của loài cá được người dân đặt tên là Ia Kreng. Và đây cũng là tên gọi của xã Ia Kreng. Xã có 3 làng, gồm Dôch 1, Dôch 2 và làng Díp.
Đoạn đường từ trung tâm xã đến làng Díp khoảng 13 km đã được trải nhựa. Là ngôi làng tái định cư lòng hồ thủy điện Sê San 3A, năm 2004, làng Díp được Nhà nước đầu tư xây dựng 155 căn nhà cấp 4. Hiện nay, làng có 275 hộ, hầu hết là đồng bào Jrai. Cuộc sống của người dân còn khó khăn bởi điều kiện tự nhiên không được thuận lợi. Người dân chủ yếu trồng lúa, mì, điều, bời lời... nhưng năng suất không cao.
Nhà văn hoá làng Díp. Ảnh: V.T.T
Theo quan sát của chúng tôi, làng hiện có 8 ngôi nhà sàn truyền thống. Dưới chân mỗi nếp nhà là những bó củi được xếp ngay ngắn, thẳng thớm thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Jrai trong gia đình. Hiện nay, làng còn giữ 13 bộ cồng chiêng với 158 chiếc, trong đó tập thể cộng đồng làng còn 2 bộ, các hộ dân giữ 11 bộ. Về nghề truyền thống, làng có 3 nghệ nhân biết dệt thành thạo thổ cẩm và 3 nghệ nhân tạc tượng.
Anh Xuân kể: Ngày mới lập làng, nơi đây đất đai màu mỡ, thích hợp trồng cây lúa nếp, ăn no lâu mà rất ngon miệng. Vậy nên, người dân làng Díp quanh năm duy trì thói quen dùng gạo nếp làm lương thực chính cho bữa ăn hàng ngày. Nhiều người gọi làng Díp là làng “quanh năm ăn cơm nếp” cũng xuất phát từ ý đó. Ngày nay, làng Díp đã có nhiều đổi thay. Bà con đã chuyển đổi cây trồng. Tuy vậy, cơm nếp vẫn được duy trì mỗi khi có lễ hội.
Trong chuyến về thăm làng Díp lần này, chúng tôi cũng dành thời gian đến bến thuyền để trải nghiệm sông nước Sê San. Sau khi trang bị áo phao, anh Rơ Châm Oal-Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng làng Díp trực tiếp lái thuyền. Giữa không gian khoáng đạt, nắng nhưng không quá oi nồng, càng di chuyển ra xa bờ không khí lại càng mát mẻ.
Xuôi theo dòng nước phản chiếu ánh mặt trời nghiêng chao, mặt hồ rộng mênh mông, trải dài tít tắp. Xa xa, từng đàn cò trắng bay về đậu trên những gốc cây khô còn sót lại trên mặt hồ. Một vài chiếc thuyền xuôi dòng tạo nét chấm phá thi vị giữa sông nước hiền hòa.
Thưởng ngoạn sông nước Sê San giữa đôi bờ xanh bóng cây rừng là trải nghiệm vô cùng thi vị. Ảnh: V.T.T
Về với thiên nhiên bao giờ cũng mang lại cảm giác thật thư thái. Anh Oal đưa chúng tôi đến một hòn đảo, nơi có những hộ dân sống quần tụ thành một làng chài nhỏ. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mai kể: Có 4 hộ dân sống tại làng chài này, trong đó, 3 hộ đều là dân miền Tây, 1 hộ là dân Phú Yên. Chị Mai cùng chồng là anh Đoàn Văn Hải đã sống ở đây được hơn 3 năm. Ngoài công việc nuôi và đánh bắt hải sản, chồng chị còn kiêm dịch vụ đưa đón khách có nhu cầu du ngoạn sông nước.
Gần 1 giờ lênh đênh giữa sông nước, chúng tôi dừng chân bên suối nước để dùng bữa trưa muộn. Thức ăn có gà và thịt heo nướng trên bếp than hồng, thêm một ít cá được các anh trong đoàn thả lưới bắt vội trong khi chờ thịt chín, rau dớn hái bên bờ xào tỏi và đồ khô mang theo. Tất cả tạo nên một bữa trưa thú vị bên con suối mát lành.
Trên đường quay trở về, chúng tôi vẫn còn luyến lưu mãi. Lại nghĩ, nơi này nếu được quan tâm đầu tư đúng mức sẽ là điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách khi được thưởng ngoạn phong cảnh sông nước, tắm suối, thả lưới bắt cá… để có những trải nghiệm thú vị giữa thiên nhiên.
Võ Thanh Thảo