Hành trang lữ khách

Về thăm rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng

Cập nhật: 23/12/2020 09:04:05
Số lần đọc: 1476
Đến thăm khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) - địa danh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi càng khâm phục và tự hào với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.


Bức phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho 34 chiến sỹ.

Thời tiết tháng 12 ở Nguyên Bình khá lạnh, nhưng Khu Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi gắn liền với sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - vẫn đón nhiều đoàn khách đến thăm, đa số những người đến đây dịp cuối năm là cựu chiến binh.

Vượt qua cung đường quanh co, anh Nông Văn Khởi, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nguyên Bình đưa chúng tôi đến thăm rừng Trần Hưng Đạo. Anh Khởi là người dân tộc Tày, sinh ra tại mảnh đất Tam Kim, kể cho chúng tôi nghe về rừng Trần Hưng Đạo với niềm kính trọng, tự hào. Ngay trước khu rừng, Nhà nước đã xây dựng bức phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho 34 chiến sỹ.

Sự kính trọng và tự hào của du khách đến đây được thể hiện qua những dòng chữ được ghi lại trong Sổ cảm tưởng tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong Sổ cảm tưởng, ông Hoàng Mai Thanh, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Phòng không - Không quân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn viết: “Đến thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, địa danh lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước hình tượng 34 chiến sỹ, trước hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bậc anh hùng đã mở đầu cho những trang lịch sử sáng ngời của cách mạng Việt Nam. Chúng tôi nguyện phấn đấu, mãi xứng đáng với truyền thống cao đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ”.

Đến thăm rừng Trần Hưng Đạo ngày 31/10/2020, ông Nguyễn Đắc Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thương mại viết: “Đoàn Cựu chiến binh Đại học Thương mại vô cùng xúc động được dâng hương, kính lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Thương mại nguyện phấn đấu hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà Đảng, Bác Hồ, Đại tướng và đồng bào cả nước đã lựa chọn”.

Anh Nông Văn Khởi cho biết: Khu rừng được người dân trong vùng bảo vệ gần như nguyên vẹn, bởi đây là niềm tự hào của quê hương cách mạng Tam Kim. Cách đây 76 năm, chiều 22/12/1944, tại khu rừng này, buổi lễ trang nghiêm đã được tổ chức, đánh dấu sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.


Di tích Đồn Khai Phắt, nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
 

Cách nhà bia không xa là lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sỹ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50 m là mỏ nước tự nhiên trong vắt, là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sỹ.Từ bức phù điêu, đi khoảng 200 m rợp bóng cây cổ thụ là nhà bia khắc lại Chỉ thị của Bác Hồ về nhiệm vụ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự… Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Bên cạnh Chỉ thị của Bác là 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam) và bảng khắc tên 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Tất cả nằm dưới tán cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Năm 2014, cây sấu này được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Từ khu vực nhà bia, đi lên khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh Slam cao. Tại đây, văn bia có ghi: “Đỉnh núi Slam cao thuộc dãy Khau Giáng ở xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây, trung tuần tháng 12/1944, đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã quan sát đồn Phai Khắt, quyết định trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Tại đỉnh Slam cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên kế hoạch tiêu diệt đồn Phai Khắt cách đó khoảng 8 km, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Chỉ 3 ngày sau khi thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã “thắng trận đầu”, tiến vào diệt đồn Phai Khắt; tiếp đến ngày 26/12 là chiến thắng đồn Nà Ngần… mở đầu cho chặng đường lịch sử hào hùng, vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ rừng Trần Hưng Đạo với 34 chiến sỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Đại thắng mùa xuân 1975... Đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trải qua 76 năm, những dấu tích từ thuở đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn được đồng bào các dân tộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng trân trọng và gìn giữ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Một lần về thăm khu rừng Trần Hưng Đạo là trải nghiệm không thể quên trên hành trình về với “địa chỉ đỏ” của mỗi người dân Việt Nam.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục