Hành trang lữ khách

Về xứ sở cờ lau

Cập nhật: 16/04/2020 08:21:35
Số lần đọc: 720
Tháng Ba, khi những bông hoa gạo đỏ rực chuẩn bị rơi vương để nhường chỗ cho những búp tơ xanh vươn đón gió hè, ấy cũng là thời khắc mang lại vô vàn cảm xúc đối với những người xa quê. Với tôi và chắc hẳn cũng như nhiều người khác, tháng Ba còn là dịp để thực hiện tâm nguyện hướng về nguồn cội. Trong hành trình về nguồn ấy, chúng tôi trở về thăm lại quê hương, mảnh đất lành đã sinh ra và nuôi chí lớn cho bậc quân vương huyền thoại Đinh Tiên Hoàng đế được thắp nén tâm nhang tri ân công đức của Người và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình, với quê hương.

Từ đường 12B rẽ xuống, đi trên con đường bê tông chạy dài, uốn lượn qua cánh đồng lúa xanh mướt đang mơn mởn xuân thì để đến được với mảnh đất lành đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng. Từ xa, thôn Văn Bòng, xã Gia Phương (xưa là làng Đại Hữu) ẩn hiện trong lớp sương mù còn dày đặc. Những tia nắng sớm tinh nghịch xuyên qua khe lá, qua lớp sương mù để nhảy nhót trên mái đình làng cong vút tạo nên không gian trầm mặc, linh thiêng. Mới buổi sớm còn tinh sương, ông thủ từ của đình làng Đào Văn Duy đã ra mở cửa Đình, quét dọn những chiếc lá vàng rơi vãi trong khuôn viên ngôi Đình. Ông Duy bảo, khách đến dâng hương, tham quan cảnh Đình làng thì quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là những ngày tháng Ba. Không chỉ là người dân trong xã mà còn là du khách thập phương, con em quê hương xa xứ… cũng nhân tiết tháng Ba mà về lễ bái, dâng hương tưởng nhớ công đức của vua Đinh Tiên Hoàng.

Là thủ từ của đền Đinh Tiên Hoàng từ nhiều năm nay nên chẳng những nắm rõ về lịch sử ngôi đình mà ông Duy còn thuộc cả những câu chuyện thú vị về cuộc sống thời niên thiếu của vua Đinh Tiên Hoàng. Những câu chuyện ấy được ông kể nhiều lần với du khách, song chưa bao giờ ông thấy chán. Ông bảo, trước kia, đời sống của bà con địa phương còn bộn bề khó khăn. Ai cũng phải bươn chải lo kiếm sống, nhưng cứ vào khoảng thời gian làng tổ chức lễ hội thì ai cũng thu xếp công việc để về dự và mang đến một sản vật do chính tay mình làm ra để dâng Vua. Người thì đĩa xôi, khổ thịt hay con gà. Có người tỉ mẩn làm cả bánh chưng, bánh dày để thành tâm cúng Vua. Ngày nay, đời sống của bà con khá lên nhiều song những phong tục truyền thống trong ngày hội vẫn được giữ gìn như một báu vật. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn thu hút khách thập phương về chiêm bái và lễ cầu sức khỏe. Không chỉ là sự tôn kính dành cho bậc quân vương huyền thoại, mà lớp lớp người dân địa phương đều về với lễ hội với cảm xúc thân thương, gần gũi như thể con cháu trở về đoàn tụ trong ngày giỗ của chính tổ tiên, cha ông mình vậy.

Mang theo dư âm của những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, chúng tôi tạm biệt quê hương Gia Phương để tiếp tục chuyến hành trình về nguồn đặc biệt này. Điểm chúng tôi tìm đến đó là động Hoa Lư hay còn gọi là động Thung Lau ở xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn). Con đường nhỏ dẫn lối vào động Hoa Lư mùa này vắng hẳn những bông lau, nhưng không vì thế mà bớt đi sự gợi nhớ về một thuở in dấu chân của vị vua huyền thoại. Xa xa, đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, dọc hai bên sườn núi, từng cây xoan bung nở những bông hoa nhỏ xíu, tím biêng biếc cả một góc trời.

Ông Ninh Thế Tính, cán bộ văn hóa xã và cũng là người con của quê hương Gia Hưng hăng hái dẫn đường cho chúng tôi, kiêm luôn cả công việc của một hướng dẫn viên. Ông Tính bảo, niềm vui và tự hào nhất trong công việc của ông đó là những lần được đưa những đoàn khách đến thăm quê hương mình. Gia Hưng có nhiều điểm để khách viếng thăm, song điểm đến không thể thiếu đó là động Thung Lau và Thung Lá- khu di tích gắn với một thời chăn trâu nuôi chí lớn của vua Đinh Tiên Hoàng. Trên đường dẫn vào động Thung Lau, chúng tôi đi qua một đầm nước xanh ngắt, hiền hòa đẹp đến say lòng. Ông Tính nói rằng, thung nước này gọi là Đầm Cút. Nhưng nghe các cụ cao niên trong làng kể lại thì xưa kia đây là một vùng đất rộng, quanh năm xanh cỏ, lau và cây sậy. Thuở còn niên thiếu, Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự ở cánh đồng này. Trong những buổi chăn trâu cắt cỏ, Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau ở động Hoa Lư (Thung Lau), Thung Lá, Thung Lụi. Cũng bởi địa bàn hiểm trở và là nơi có nhiều huyền thoại bí hiểm mà Thung Lau được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm căn cứ khởi nghiệp. Đây cũng là nơi được vua Đinh lựa chọn là nơi giấu một đội quân đặc biệt tinh nhuệ và khi cần thiết đưa ra giao chiến. Ngày nay, trên nền dinh lũy xưa kia, nhân dân xây lên ngôi đền nhỏ 3 gian để thờ vua Đinh Tiên Hoàng cùng với thánh Nguyễn Minh Không. Với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương và sự đóng góp con em quê hương, ngôi đền đã được tôn tạo và trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Để vào được trong Thung Lau, chúng tôi vượt qua hàng trăm bậc tam cấp xuyên qua những vách núi cheo leo. Từ trên cao nhìn xuống, Thung Lau được ôm trọn bởi những vách núi cao, tựa như một bông hoa sen khổng lồ. Thế núi hiểm trở này vốn là khu căn cứ khởi nghiệp cho vua Đinh Tiên Hoàng. Núi đá vẫn sừng sững, những bụi lau vẫn căng tràn nhựa sống như thể vẫn đang cố gắng lưu giữ dấu chân Người xưa để truyền tụng cho muôn thế hệ sau. Bà Đinh Thị Tình, thủ đền động Thung Lau cho biết: Gắn bó với động Thung Lau bao năm, điều bà cảm thấy hạnh phúc nhất ấy là đã có rất nhiều con em địa phương, du khách thập phương tìm về đây, vừa là để chiêm bái vừa là để tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về vị quân vương có công dẹp loạn 12 sứ quân. Đặc biệt, các em học sinh ở Trường THPT Gia Viễn A định kỳ hàng tháng đều đến để tham gia dọn dẹp, làm sạch cảnh quan trong khuôn viên Thung Lau. Những lớp học sinh nhỏ hơn trong huyện, trong tỉnh và cả những đoàn sinh viên của các trường đại học, những du khách nước ngoài… đã lựa chọn Thung Lau là nơi để tìm về trải nghiệm, nơi về nguồn, nhất là vào mùa bông lau nở rộ. Và bao giờ cũng vậy, bà Tình và những người trong Ban quản lý đền Thung Lau đều trở thành hướng dẫn viên truyền tải những câu chuyện lịch sử về ngôi Đền cho du khách, cho các em học sinh… Bà Tình cho biết, hàng năm, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng, làng đều mở lễ hội động Hoa Lư. Đây là dịp hiếm hoi con cháu gần xa được hội tụ sau một năm vất vả mưu sinh khắp mọi miền. Chẳng cứ già hay trẻ, nam hay nữ, ai cũng có ý thức để gìn giữ nét đẹp văn hóa lễ hội làng với mong muốn lễ hội thực sự là nơi về nguồn đầy ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con đất Việt./.

Nguồn: Báo Ninh Bình
Từ khóa: Xứ sở, cờ lau

Cùng chuyên mục