Vị Xuyên - Trang sử hào hùng nơi địa đầu Tổ quốc
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: TITC
Vị Xuyên - Bản hùng ca bất tử
Cách đây 45 năm, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã nổ ra, kéo dài trên chiến tuyến từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với hào khí quật cường của dân tộc anh hùng đã kiên cường, sáng tạo, bẻ gãy và giáng nhiều đòn đau xuống đầu kẻ địch. Riêng cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương ở Vị Xuyên kéo dài khốc liệt tới 10 năm sau, đến tháng 10 năm 1989 mới chính thức kết thúc.
Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất, đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989 với hàng trăm trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này.
Trên đất mẹ thiêng liêng, quân ta bám trụ từng điểm cao, từng mỏm đá, tấc đất. Có những quả đồi diễn ra hàng chục trận đánh giành giật giữa ta và địch. Dường như không một hòn đá, không một mét đất nào ở Vị Xuyên không thấm máu của người lính Việt Nam. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống hoặc bỏ lại một phần cơ thể nơi rừng sâu núi thẳm.
Nhiều trận đánh giành, giữ đất của quân và dân ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích… ta đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân địch, buộc họ phải rút quân. Sau khi kết thúc cuộc chiến, quân ta tiến hành đo lại, có ngọn núi bị đánh bạt đi hơn 3m. Ác liệt đến mức anh em gọi đó là “lò vôi thế kỷ”.
Thắng lợi oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh. Hàng ngàn người bị thương, hàng trăm thôn bản bị phá hủy. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy bom mìn, vật nổ… Đến nay, vẫn còn nhiều liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang.
Trong cuộc chiến này, riêng tỉnh Hà Giang đã huy động hàng chục nghìn dân công hỏa tuyến cùng hơn 20 nghìn dân quân miền xuôi tham gia đào đắp hàng vạn mét hào, đường giao thông, chi viện lương thực, thực phẩm… để xây dựng phòng tuyến. Đó là chiến thắng của sự đoàn kết, quyết tâm giữ vững chủ quyền biên giới. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những công lao, hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong cuộc chiến này.
Để rồi hôm nay, thế hệ chúng ta có thể cảm nhận được biểu tượng hào hùng về tinh thần vệ quốc bất khuất của dân tộc Việt Nam từ Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ của toàn mặt trận Vị Xuyên; từ Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên ở điểm cao 468...
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - Điểm nhấn về du lịch tâm linh
Ngày nay đến với Hà Giang, du khách không chỉ tham quan những điểm đến nổi tiếng như Đồng Văn, Mèo Vạc, Cột cờ Lũng Cú, Núi đôi Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng - dòng sông Nho Quế, Dinh họ Vương hay Con đường Hạnh phúc… mà trong hành trình đó còn có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, nơi đây đã và đang trở thành điểm đến về du lịch tâm linh, du lịch chiến trường xưa của Hà Giang.
Ngay sau khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, khu nghĩa trang này đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 1990, đến năm 1991 thì hoàn thành. Nghĩa trang có đài hương với kiến trúc uy nghiêm, thiết kế 3 chân vững chắc của đài hương tượng trưng cho 3 nén hương thơm. Vòng tròn và hai đai bệ của chân đài hương là biểu tượng những chiếc cầu vai vững chãi của người lính hiên ngang, anh dũng bảo vệ chủ quyền đất nước.
Khu nghĩa trang này còn được ví như “bản hùng ca bất tử” về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của 1.863 liệt sỹ và một phần mộ liệt sỹ tập thể, trong đó có hơn 1.600 liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tới thăm viếng nghĩa trang, du khách sẽ được nghe những câu chuyện đầy cảm động về tình đồng chí, tình đồng đội, tình quân dân và những câu chuyện đời thường của các chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt. Để rồi du khách sẽ cảm nhận được một không gian linh thiêng với tâm nguyện “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”.
Hàng năm, cứ vào dịp Ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 (12/7), Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) và các ngày lễ lớn của dân tộc thì từng đoàn xe từ Nam ra Bắc, từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vẫn đều đặn chở hàng ngàn du khách về đây, trong đó có cả những thân nhân, bạn bè, đồng đội của người đã khuất, những nhân chứng sống của lịch sử về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho những đồng đội đã nằm lại chiến trường này.
Nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về một thời chiến đấu hào hùng, oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam, các chiến sỹ đã không tiếc máu xương của mình để chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Đến đây du khách sẽ biết thêm về lịch sử dân tộc, về tình yêu quê hương đất nước và sự tôn vinh, biết ơn những anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, đem đến sự bình yên cho đất nước.
“Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” các anh hùng, liệt sĩ ở Vị Xuyên đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, soi đường cho các thế hệ sau tiếp bước. Đó chính là sự trường tồn, bất diệt và cũng là chân lý, là lẽ sống mà không một thế lực nào có thể khuất phục được. Vì thế, chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc của ngày hôm nay phải có trách nhiệm xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với sự hy sinh to lớn đó.
Trung tâm Thông tin du lịch