Hoạt động của ngành

Vĩnh Long: Chăm chút ẩm thực, tạo điểm nhấn du lịch

Cập nhật: 17/05/2022 05:31:25
Số lần đọc: 813
Khi đến với một vùng đất, ẩm thực là cách để hiểu hơn về nơi đó, về con người và văn hóa. Ẩm thực trong du lịch đã được nâng lên thành cả một nghệ thuật để giới thiệu nét đặc trưng riêng của từng vùng. Thời gian qua, Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động giới thiệu ẩm thực để làm tăng hiệu quả cho xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch.  


Khai thác lợi thế ẩm thực

Ẩm thực hiện nay là một nhân tố thu hút khách du lịch khi đến với mỗi vùng miền, mỗi địa danh du lịch. Để phục hồi du lịch sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc biệt là các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống của dân tộc có vai trò quyết định.

Hội thi nghiệp vụ bếp giỏi giới thiệu ẩm thực đặc sắc của Vĩnh Long và ĐBSCL.

Trong các sản phẩm đó, ẩm thực đang nổi lên là một thế mạnh của du lịch Việt Nam. Giá trị văn hóa ẩm thực được thể hiện trong cách chế biến hay cách ăn uống theo đúng kiểu của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, giá trị văn hóa còn thể hiện tinh tế ở ngay đôi đũa, cái chén mà thực khách dùng, ở không gian, cách trang trí của nhà hàng, quán ăn…

Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Du lịch Vĩnh Long lần II vừa mới tổ chức, hội thi nghiệp vụ bếp giỏi có chủ đề “Món ngon Vĩnh Long- Đặc sản quê hương” có 9 đội thi, thành viên các đội là đầu bếp của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, hội thi nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, quảng bá ẩm thực địa phương. Đồng thời tạo sân chơi vui tươi và bổ ích cho những người đam mê ẩm thực. Đây cũng là dịp để giới thiệu những món ẩm thực đặc sắc của Vĩnh Long và ĐBSCL đến du khách trong và ngoài nước.

Giới thiệu những món ăn đồng quê, sử dụng những nguyên liệu mộc mạc, bình dân miền sông nước, Nhà dừa Coco Home (xã Hòa Ninh- Long Hồ) giành giải nhất trong hội thi.

Từ trái bần, điểm du lịch Nhà dừa Coco Home chế biến nhiều món ăn đặc sắc.

Chị Dương Diệu Hiền- Nhà dừa Coco Home chia sẻ, Coco Home đặc trưng là du lịch sinh thái miệt vườn nên sẽ chú trọng đến những món ăn đồng quê. Trong đó, lẩu chua bần là món ăn đặc sắc nhất.

Vùng sông nước miền Tây có rất nhiều bần mọc tự nhiên và khi chín, bần có mùi thơm, vị chua thanh, kết hợp với cá sông sẽ tạo ra món ăn rất đặc trưng. Khi xây dựng tour, Coco Home cũng hướng tới việc trải nghiệm, bởi các bậc phụ huynh đều hướng con đến việc trải nghiệm thực tế.

Khách đi hái bần, làm gỏi bông bần, tự tay nấu món canh chua bần và cùng thưởng thức với gia đình. Các đoàn đều cảm thấy hứng thú và vui khi trải nghiệm thực tế và thưởng thức những món đồng quê.

Chị Vương Nhật Minh- Nhà gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long) thì giới thiệu món gỏi đu đủ và nhiều món bánh dân gian. “Hy vọng giới thiệu món ngon quê nhà, đồng thời tạo dấu ấn về ngôi nhà gốm độc đáo ở miền Tây.

Mỗi cơ sở du lịch khai thác những món ăn dân dã miền sông nước khác nhau, mang lại nhiều mới lạ cho khách du lịch, hy vọng dựa trên những điểm mạnh, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy để giới thiệu ra bạn bè quốc tế”- chị Nhật Minh chia sẻ.

Kết nối văn hóa, ẩm thực và du lịch

Với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ”, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX, năm 2022 được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Du khách trải nghiệm gói bánh tét tại Nhà dừa Coco Home.

Du khách có dịp trải nghiệm nhiều hương vị đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ, đặc biệt là các loại bánh dân gian, tìm về ký ức tuổi thơ và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và giá trị bánh dân gian Nam Bộ nói riêng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, du khách trải nghiệm, tăng cường liên kết, hợp tác, xúc tiến đầu tư khai thác.

Các hoạt động nhằm hướng đến việc xây dựng bánh dân gian trở thành thương hiệu quốc gia, thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến lễ hội bánh dân gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nam Bộ.

Vĩnh Long xác định khoai lang là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong đó, huyện Bình Tân là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn của cả khu vực ĐBSCL.

Để khai khác tối đa hiệu quả kinh tế từ khoai lang, bên cạnh việc xuất khẩu sản phẩm thô truyền thống, người dân ở Vĩnh Long đã sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm khác nhau từ khoai lang, như bánh phồng khoai lang, khoai lang sấy, mứt khoai lang, chè khoai lang, bánh trung thu khoai lang,…

Anh Nguyễn Thanh Việt giới thiệu món bánh làm từ khoai lang Vĩnh Long tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ.

Tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, anh Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc đã mang món bánh từ khoai lang Vĩnh Long để giới thiệu.

Theo anh Việt, bánh Hạnh phúc được sáng tạo từ bánh phu thê, bánh mochi của người Nhật. Bánh có sự kết hợp giữa truyền thống và hội nhập, mang giá trị dinh dưỡng cao từ khoai lang và cũng góp phần giới thiệu món ngon từ chính đặc sản quê nhà.

Khi nói về vai trò của ẩm thực trong du lịch, chị Dương Diệu Hiền khẳng định: “Ẩm thực và du lịch là hai mảng không thể tách rời.

Khi du khách đến một địa phương nào đó, họ luôn muốn thưởng thức những đặc sản. Do đó du lịch sẽ quảng bá cho đặc sản địa phương và đặc sản địa phương sẽ làm cho du lịch phát triển bền vững hơn.

Ẩm thực không chỉ ăn bằng miệng, bằng mắt mà còn bằng cảm quan nữa. Chúng tôi vẫn luôn muốn sao cho khách có cảm giác gần gũi, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên nhất có thể”.

Ngoài việc tập trung phát triển các loại hình du lịch phổ biến thì cũng cần phải tập trung phát triển loại hình du lịch ẩm thực. Cần phát huy những lợi thế sẵn có của vùng, từ những nguyên liệu đặc trưng của thiên nhiên đến những nguyên liệu đặc trưng riêng có của từng vùng.

Ẩm thực sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn để thu hút du khách đến và trải nghiệm không chỉ một lần mà rất nhiều lần.

Bài, ảnh: Phương Thư

Nguồn: Báo Vĩnh Long - baovinhlong.vn - Đăng ngày 15/5/2022

Cùng chuyên mục