Vĩnh Long: Cù Lao Mây nhộn nhịp mùa bánh tráng Tết
Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây hiện có 71 hộ sản xuất, trong đó 14 hộ tham gia Hợp tác xã. Năm 2009, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây được tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người dân làng nghề đã mạnh dạn cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới, không chỉ để khách hàng mua dùng mà còn làm quà biếu như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng sữa, bánh tráng mặn, bánh tráng thanh long…
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) bánh tráng Cù lao Mây, ông Lương Văn Thông cho biết, năm nay giá nguyên liệu đầu vào như đường, sữa, gạo, chất đốt… đều tăng nên giá bánh buộc phải tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, bánh tráng nhúng có giá bán 18.000 đồng/chục, bánh tráng ngọt 40.000 đồng/chục, bánh tráng nướng 100.000 đồng/chục… Năm 2023, HTX có tổng sản lượng trên 710.000 bánh/năm, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động. Đặc biệt năm 2020 HTX được tỉnh chứng nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao. “Nhờ cải tiến sản phẩm từ mẫu mã đến chất lượng và tích cực tham gia xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bánh tráng HTX Cù lao Mây hiện tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí được du khách mua làm quà tặng cho bạn bè ở nước ngoài. Từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, đem lại niềm vui và hy vọng cho những người gắn bó với nghề”, ông Thông nói.
Ông Lương Văn Thông phơi bánh tráng thanh long với hương vị và màu sắc hấp dẫn
Vào những ngày giáp Tết, làng nghề truyền thống bánh tráng Cù lao Mây lại nhộn nhịp, tất bật hẳn lên. Cảnh tráng bánh, phơi bánh, đóng gói diễn ra nhanh chóng, vui vẻ...mNghề làm bánh tráng diễn ra quanh năm. Thông thường, cứ khoảng 3 giờ sáng là các lò bánh bắt đầu thổi lửa, làm bột… để chuẩn bị tráng bánh cho tới tận chiều tối. Bà Trần Thị Tuyết Mai ở ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, đang hối hả sản xuất ra những chiếc bánh thơm ngon nhớ lại: “Tôi học làm bánh tráng từ năm 17 tuổi, rồi theo nghề cho tới tận bây giờ. So với những nơi khác thì bánh tráng cù lao Mây được khách hàng nhận xét là ngon hơn bởi độ dẻo, dai và ít vỡ. Để làm được bánh tráng ngon phải chọn đúng loại gạo, kết hợp với bí quyết trộn đường, sữa, mè, dừa… Chính sự công phu trong cách pha chế đã giúp bánh tráng cù lao Mây có hương vị riêng mà người tiêu dùng rất ưa chuộng. Có lẽ vì thế mà làng nghề này mới giữ được sức sống lâu bền và còn lan truyền sang nhiều nơi khác”.
Không ai còn nhớ chính xác làng nghề bánh tráng Cù lao Mây ra đời khi nào nhưng hơn một trăm năm qua, nhiều thế hệ người dân nơi đây đã lớn lên cùng nghề. Những người con của làng nghề đã chung tay giữ gìn và đưa thương hiệu bánh tráng Cù lao Mây ngày càng vươn xa hơn. Bà Trần Thị Thúy Liễu, xã Lục Sĩ Thành, xã viên HTX Cù lao Mây cho biết: “Nghề làm bánh tráng đã gắn bó với gia đình bà nhiều đời. Yêu nghề này, hơn 30 năm qua bà đã mày mò để bánh tráng làm ra ngon hơn, đẹp hơn. Nhờ được đi tập huấn, bà học hỏi và áp dụng nhiều điều mới vào sản xuất, đóng gói và bán sản phẩm. Từ đó, bánh tránh của bà được nhiều người biết đến, tiêu thụ rộng rãi qua nhiều kênh mạng xã hội facebook, zalo. Bánh vẫn làm từ những nguyên liệu quen thuộc là gạo, mè, nước cốt dừa…nhưng mình kết hợp thêm thanh long để có màu sắc bắt mắt hơn, hương vị cũng khác hơn”.
Quy trình sản xuất bánh tráng Cù lao Mây
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, quản lý Khu du lịch Tám Trong, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất cù lao Mây chia sẻ: “Làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây là một điểm đến hấp dẫn du khách khi đến Vĩnh Long. Hiện nay, hàng nghìn lượt khách đến đây mỗi dịp cuối tuần, du khách đến làng nghề để tham quan, trải nghiệm quy trình làm bánh tráng và mua bánh tráng về làm quà cho gia đình và bạn bè, góp phần giúp tăng thu nhập cho người dân”.
Ông Huỳnh Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành cho biết: “Có thể nói nghề sản xuất bánh tráng ở Cù lao Mây nói chung và HTX đang có bước tiến đáng kể theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt về chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề hiện nay là HTX cần gắn kết chặt chẽ với hộ làng nghề, từ chỗ làm ăn tự phát, nhỏ lẻ sang hướng hợp tác sản xuất theo đơn đặt hàng quy mô lớn và thị trường tiêu thụ cũng mở rộng. Từ đó đưa làng nghề vào sản xuất liên tục, giúp bà con tăng thu nhập, làm giàu bằng chính sản phẩm truyền thống của mình”.
Bánh tráng Cù lao Mây, dù tráng theo phương thức thủ công truyền thống hay máy móc hiện đại đều có sự vất vả và khéo léo của người thợ, nhưng bù lại chiếc bánh làm ra có hương vị đặc biệt mà không phải nơi đâu cũng có được. Để thương hiệu bánh tráng Cù lao Mây tiếp tục vươn xa, rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, bên cạnh việc phát triển kinh tế, đảm bảo thu nhập, còn là để giữ gìn và phát triển thương hiệu, bản sắc cho làng nghề bánh tráng Cù lao Mây.
Phương Minh