Vĩnh Phúc xúc tiến điểm đến ấn tượng tại Thành phố Hồ Chí Minh
“Vùng đất vàng” cho phát triển du lịch
Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ ba cảnh quan miền núi, trung du và đồng bằng. Nhờ vậy, Vĩnh Phúc có một miền sinh thái rất phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn, tạo tiền đề để tập trung phát triển du lịch trở thành một ngành thế mạnh. Những năm trở lại đây, Tam Đảo thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch. Dãy Tam Đảo bốn mùa bồng bềnh mây trắng, với khí hậu và cảnh quan lý tưởng được ví như Đà Lạt của miền Bắc. Dòng sông Lô ôm vòng về phía Tây của tỉnh, là huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng, nhiều dấu tích tụ thủy xen lẫn gò đồi như: Đầm Vạc, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng... Sáng Sơn, Thanh Lanh, Ngọc Bội, Thằn Lằn tạo nên cảnh trí non nước hữu tình. Thiên nhiên như thể đã tạo cho riêng Vĩnh Phúc một chỉnh thể “núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú”.
Đến với Vĩnh Phúc, du khách không chỉ được trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mà còn được khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân Vĩnh Phúc. Tính tới nay, tỉnh có 1303 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 499 di tích được xếp hạng các cấp. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với các di sản văn hóa được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không chỉ vậy, đây cũng là nơi tập trung nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời, lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc.
Với những lợi thế đó, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Ngô Duy Đông cho biết, địa phương đang ưu tiên những dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển đa dạng loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, MICE...
Hiện tại, Vĩnh Phúc có 410 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 7500 buồng đạt tiêu chuẩn về nhà nghỉ du lịch, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 45 khách sạn 2 sao, 23 khách sạn 1 sao và 333 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia; 13 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó 4 công ty lữ hành quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch liên tục được đầu tư, nâng cấp, mạng lưới giao thông được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn vào mùa du lịch cao điểm.
Cần nhiều giải pháp khắc phục ảnh hưởng sau dịch Covid-19
Du khách đến Vĩnh Phúc đã thấy được sự thay đổi ngoạn mục về diện mạo, cảnh quan... góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải hoạt động cầm chừng và có thời gian phải đóng cửa dừng hoạt động, kèm theo đó là các biện pháp cách li, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại… đã khiến cho ngành du lịch là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất.
Ông Ngô Duy Đông, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cũng khẳng định: “Trong thời gian tới, để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Phúc sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đồng thời tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và tiếp cận chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ du lịch, từ số lượng sang chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Vĩnh Phúc hiện đại, đẳng cấp, chất lượng, thân thiện và an toàn”.
Để hồi sinh và phát triển du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Vĩnh Phúc đã sát cánh cùng các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác xúc tiến du lịch gắn với xây dựng tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19; chương trình kích cầu du lịch nội địa, với mức ưu đãi giảm giá từ 30-50% các dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch.
Tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao ý tưởng liên kết, hợp tác phát triển ngành du lịch của các tỉnh, thành trong đó có Vĩnh Phúc. Thị trường du lịch đã được kích cầu và mang đến những điểm du lịch an toàn trên mọi miền đất nước.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch, người dân làm du lịch cộng đồng...
Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và chính quyền địa phương nói riêng cùng phải phát huy vai trò đầu mối liên kết, hợp tác kích cầu du lịch nội địa bằng những chương trình hành động cụ thể hơn. Đồng thời, cùng với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần tái cấu trúc ngành và phát triển bền vững./.