Nhiều giải pháp phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020
Gần 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà doanh nghiệp và những người tâm huyết với du lịch xứ Thanh ở trong và ngoài tỉnh đã gửi tới hội thảo, trong số đó một số tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các bản tham luận tập trung bàn về một số vấn đề, như: Việc phát huy các nguồn lực di sản văn hóa và thiên nhiên trong du lịch; về tổ chức hoạt động du lịch và chất lượng lao động du lịch ở Thanh Hóa; về chất lượng sản phẩm du lịch Thanh Hóa; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch Thanh Hóa...
Qua đó, đề xuất một số giải pháp để sao cho 11 không gian văn hóa du lịch ở Thanh Hóa (Đô thị du lịch Sầm Sơn, Khu Du lịch Hàm Rồng, Khu Du lịch Lam Kinh, Khu Du lịch Hải Hòa - Nghi Sơn - Biện Sơn, Khu Du lịch Thành nhà Hồ, Khu Du lịch Vườn Quốc gia Bến En, Tuyến du lịch Từ Thức - Cửa biển Thần Phù, Khu Du lịch sinh thái Pù Luông - Pù Hu, tuyến du lịch Cửa Đạt - Xuân Liên, Suối cá thần Cẩm Lương, Khu Du lịch biển Hải Tiến - Hoằng Hóa) không còn là tiềm năng mà trở thành hiện thực trong tương lai gần. Một số giải pháp được đề cập nhiều, như: cần tiến hành đồng bộ 3 công việc: quy hoạch xây dựng các khu du lịch, tuyến điểm du lịch khoa học, hợp lý; xây dựng sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, tạo nên điểm nhấn ấn tượng; đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực hoạt động trong ngành du lịch đủ mạnh, có chất lượng và số lượng tương thích, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng có chất lượng những đòi hỏi từ thực tế hoạt động du lịch và luôn tạo ra những sắc thái mới trong kinh doanh.