Tin tức - Sự kiện

Chiêm ngưỡng tinh thần Thăng Long - Hà Nội ngàn năm

Cập nhật: 07/10/2010 16:28:48
Số lần đọc: 9543
Thành phố Hà Nội đang bước vào những ngày lễ hội kỷ niệm 1.000 năm tuổi, kéo dài từ ngày 1 - 10/10/2010 cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm hoành tráng nhất từ trước đến nay. Một nghìn năm hình thành và phát triển, là một cái mốc đáng nhớ của một thành phố thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước, là dịp để khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, lưu giữ cho muôn đời sau cái hồn và bản lĩnh của một mảnh đất có bề dày lịch sử ngàn năm như Thăng Long - Hà Nội

Khi mới ra Hà Nội, việc đầu tiên của nhiều du khách là đến thăm khu tượng đài Lý Thái Tổ ở bên Hồ Gươm, cái công viên nhỏ kiểu Pháp, nằm giữa hai bên là những tòa nhà xây từ đầu thế kỷ XX. Vườn hoa này bây giờ còn rất ít phong cách Pháp vì nó phải “tải nặng” nhiều chức năng nhưng nó vẫn rất đắc địa vì nằm ngay giữa trung tâm.

Ở đó, người Hà Nội và du khách có thể ngắm nhìn chân dung bằng đồng của Lý Công Uẩn, người đã quyết định đưa kinh đô của nước Việt ra khỏi nơi sơn cùng thủy tận về đồng bằng, và ngài đã truyền thông điệp đến cho dân Đại Việt cái hình ảnh “Thăng Long” trong vị thế một kinh thành mới của nước Việt.

Hy vọng một nghìn năm của Lý Công Uẩn và của hàng triệu triệu con tim Việt Nam trải hết những can qua, những ngày ca khúc khải hoàn trở lại Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội sau mỗi cuộc chiến tranh, vẫn là mong ước ở hình ảnh một mảnh đất phải thoát ra khỏi cái tầm thường và nghèo đói, mà bay cho thỏa cái tinh thần Thăng Long của Lý Thái Tổ năm xưa!

Vào lúc thành phố Hà Nội khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO trao cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Giấy chứng nhận khu Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

Đã trải qua 1.000 năm rồi, tinh hoa Đại Việt chắc chắn đã được bồi đắp, nay không chỉ lộ ra ở những cuộc khai quật khảo cổ những thành nhà Lý, nhà Lê, nhà Nguyễn ở dưới tầng đất sâu khu Ba Đình, mà tinh hoa ấy luôn là sự tiếp nối, và chắc chắn mỗi người đến Hà Nội dịp này là để một lần nữa chiêm ngưỡng tinh thần Thăng Long, một di sản tinh thần quý giá đối với người Việt chúng ta. Hà Nội phải thể hiện di sản đó ở khía cạnh của niềm vui, khát vọng, nhân cách, tư tưởng, của ý chí và của dâng hiến.

Mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại Hà Nội một tầng văn hóa, dù khác biệt nhưng lại hòa hợp tạo nên uy lực văn hóa cho Hà Nội. Khi ngồi xem tập dượt chiếu sáng nghệ thuật Hồ Gươm và phối cảnh tái hiện không gian Hà Nội xưa nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chúng ta sẽ tự nhiên nghĩ lại chuyện Lê Lợi hoàn kiếm cho rùa thần năm xưa.

Thời khắc ấy có phải Lê Lợi mong muốn trả gươm cầm đàn, dẫu sau này có còn phải đối mặt với quân xâm lược thì cũng mong được như Thạch Sanh, một tiếng đàn khuất phục mười tám vạn quân thù, lấy chí nhân thay cường bạo, chọn văn hóa làm sức mạnh của một dân tộc. Cổ nhân đã vậy, người sau cũng không có con đường nào khác, Hà Nội phải nhận sứ mệnh giữ gìn và xây dựng nên sức mạnh tinh thần dân tộc từ văn hóa.

Hà Nội không phải là một thành phố cổ kính với đền đài lộng lẫy, cũng không cầu kỳ tinh xảo như các công trình kiến trúc phương Đông. Trong nét bình yên của những người từng sống gắn bó với Hà Nội, thì trước đây Hà Nội là một đô thị nhỏ bé thanh bình mang nét đẹp duyên dáng bình dị kín đáo.Tất cả những nét đẹp đó của Hà Nội hôm nay còn lại rất ít, bị thu hẹp trong một đô thị phát triển gấp gáp...

1.000 năm, Hà Nội đã có xe điện đi thăm phố cổ. Lạ là nhiều người đã sống với Hà Nội trên 60 năm, nay vẫn lặng lẽ ngồi xe điện đi tìm lại diện mạo những con phố quen mà lạ, họ đang chắt lọc cho mình một niềm tin Hà Nội đang rất đẹp. Tin rằng trong vẻ lặng ngắm của người già Hà Nội vẫn nhiều suy tư về Thủ đô.

Ngày trước, Lý Công Uẩn thuyết phục về vị thế của Thăng Long ở thế rồng cuộn hổ ngồi, mảnh đất cao ráo, thoáng đãng không lo ngập lụt.

Đúng 1.000 năm sau, người Hà Nội vừa tổ chức Đại lễ tưởng nhớ công sức tiền nhân vừa củng cố niềm tin sẽ phát triển đúng hướng thời đại. Nó vẫn phải là “Chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương”, cũng xứng làm “nơi kinh đô bậc nhất” như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ từng bày tỏ với muôn dân.

Lễ hội với quy mô lớn chưa từng thấy biểu dương sức mạnh dân tộc trong một lễ duyệt binh, những lễ hội phục dựng không gian văn hóa nền văn minh lúa nước sông Hồng, lễ hội làng nghề, những cuộc triển lãm hưởng ứng để tạo nên một bản sắc văn hóa Hà Nội sâu sắc tinh tế.

Những công trình hạ tầng to lớn cố gắng khánh thành trong dịp tổ chức đại lễ như cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, hay tòa nhà cao nhất Hà Nội, hay con đường gốm sứ được ghi vào sách kỷ lục Guiness, hay hàng loạt các rạp hát, chiếu bóng có từ thời Pháp nay được khánh thành sau quá trình trùng tu đều là niềm vui cho người Hà Nội.

Nhưng vị thế Hà Nội phải là mảnh đất để tài năng và trí tuệ tỏa sáng giúp ích cho đời còn cần hơn là những hoạt động lễ hội phô trương linh khí.

Các cụ già đến Văn Miếu để chiêm ngắm một trăm trống đồng nghệ nhân Thanh Hóa đem hết tài năng làm sản phẩm thể hiện tinh hoa đất nước ngàn năm và cung hiến cho Thủ đô Hà Nội dịp đại lễ. Nghệ nhân biểu diễn màn “Nổi trống Lạc Hồng - Hào khí Thăng Long”, tiếng trống ngân lên vào thời khắc thiêng liêng như thấu đến tận tâm, thiêng liêng, thôi thúc lòng người kỳ diệu.

Đúng là trống đồng ngân lên tại Văn Miếu Hà Nội dịp này cảm xúc khác hẳn ở những lễ hội địa phương. Điều này cho thấy lòng tự hào tinh thần dân tộc chưa bao giờ mai một trong lòng người dân Việt Nam! Cả nước tự hào về di sản Thăng Long - Hà Nội.

Dù sao sau những màn bắn pháo hoa, sau những lễ hội cờ hoa rực rỡ đón người khắp bốn phương tụ hội, đại lễ 1.000 năm Thăng Long còn là dịp tụ hội khẳng định người Việt Nam chưa bao giờ mất đi tinh thần dân tộc, những ưu tư về sự phát triển nhiều gập ghềnh, ưu tư về nền văn hóa nhiều mai một, ưu tư về chính con người, về trọng trách của Hà Nội được nhận diện đầy đủ dịp này. Đất nước sẽ đi lên từ đó.

Nguồn: website báo Doanh nhân Sai Gòn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT