Rồng bay trên thành phố ngàn năm tuổi
Hình ảnh Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập |
Chương trình “Thăng Long - Hà Nội - thành phố rồng bay” diễn ra vào 20h ngày 10/10, tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đã tái hiện lại hình ảnh Hà Nội anh dũng, kiên cường từ thuở sơ khai, vượt bao khó khăn, gian khổ để đạt được những thành tựu như ngày nay.
Chương trình mở đầu với màn trình diễn công nghệ ánh sáng laze, hình ảnh một con rồng lớn từ trên trời bay xuống kinh thành Thăng Long, trên màn hình chiếu hình ảnh thành Thăng Long xưa... Tất cả tạo nên khung cảnh hùng vĩ, thiêng liêng.
Màn trình diễn của hơn 600 diễn viên trong những trang phục tạo hình ảnh chiếc khiên cọc nhọn nhấp nhô, thể hiện trận chiến trên sông Bạch Đằng. Tiết mục để lại ấn tượng với người xem bởi sự hùng tráng, tinh thần chiến đấu kiên cường của các tướng sĩ thuở xưa.
Phần biểu diễn “Trúc lâm thiền tự” với hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất hiện trên màn hình lớn, xa xa là tiếng mõ chùa, tiếng lá cây xào xạc, tạo khung cảnh linh thiêng, thể hiện nét văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam.
Pháo hoa rực rỡ trên sân vận động Mỹ Đình |
Tiếp đến là màn trình diễn của 100 diễn viên trong trang phục màu vàng với vũ điệu mang tính thượng võ nhưng được cách điệu bằng ngôn ngữ múa đương đại, thể hiện sự khoáng đạt, bay bổng, khát vọng chiến thắng. Người xem được hoà mình vào không khí võ thuật với phần biểu diễn Thái cực quyền của 520 người cao tuổi.
Trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, hình ảnh Hà Nội mùa đông năm 1946 và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là trang vàng trong lịch sử dân tộc. Chương trình tái hiện hình ảnh Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập.
Giai điệu của ca khúc”Tiếng đàn bầu” thể hiện phút sâu lắng, mất mát, đau thương của chiến tranh. Hình ảnh nghệ sĩ đánh đàn bầu trên sân khấu được nâng lên cao cùng sự chiếu sáng của ánh sáng laze tạo ấn tượng đặc biệt cho người xem bởi sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại.
"Bữa tiệc" của ánh sáng và màu sắc |
Màn múa hát “Đất nước trọn niềm vui” vang lên như một khúc khải hoàn của đại thắng mùa xuân 1975. Toàn bộ sân khấu bừng lên một không khí mừng vui, chiến thắng. Hình ảnh Bắc Nam thống nhất xum họp một nhà, thể hiện những khát khao về ước vọng tươi sáng trong tương lai của dân tộc.
Ca khúc “Hà Nội đêm trở gió” do ca sĩ Mỹ Linh biểu diễn và phần trình diễn áo dài của các thiếu nữ thể hiện nét thanh lịch, nên thơ nhưng cũng rất tinh tế của người Tràng An.
Một Hà Nội hiện đại, hừng hực khí thế vươn lên trong tương lai được tái hiện qua màn múa do các cháu thiếu nhi Thủ đô biểu diễn. “Chúng ta là thế giới trong ký ức học trò/ Tuổi trẻ là ước mơ vươn tới”, câu ca trong bài hát kết thúc chương trình nghệ thuật chào mừng Hà Nội 1000 năm tuổi như mở ra một tương lai rực rỡ trong tay thế hệ măng non. Chương trình “Thăng Long - Hà Nội - thành phố rồng bay” khép lại với màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Phần trình diễn trang phục truyền thống của các thiếu nữ Hà Nội |
Nói về ý nghĩa của chương trình này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản cho biết: “Chương trình văn hoá nghệ thuật đặc biệt chủ đề Thăng Long - Hà Nội - thành phố rồng bay do khoảng 8000 diễn viên đến từ các đơn vị nghệ thuật, trường thể dục thể thao trong cả nước trình diễn. Nếu nhìn ở góc độ nghệ thuật thì chương trình này không có gì đặc biệt nhưng điều đọng lại với người xem là tình đoàn kết, gắn bó của mỗi người dân đất Việt. Thông điệp chính của đêm diễn mà những người thực hiên muốn gửi đến công chúng là tinh thần yêu nước, tình cảm, tình đồng chí của các thế hệ được tập hợp lại qua các màn đồng diễn tập thể. Thăng Long - Hà Nội gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Lịch sử Thăng Long là lịch sử thu nhỏ của Tổ quốc Việt Nam, những biến cố của đất nước đều gắn liền với Hà Nội. Vì vậy, chương trình đã khắc hoạ những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Tôi nghĩ từ những sáng tạo của cá nhân, qua sự dàn dựng của một tập thể, chương trình mang một tầm vóc to lớn”.