Non nước Việt Nam

Đặc sắc điệu múa Bài Bông

Cập nhật: 11/10/2010 08:20:01
Số lần đọc: 1572
Hà Nội đang lưu giữ kho tàng múa cổ phong phú và đa dạng của cha ông để lại từ ngàn xưa. Ðó là di sản văn hóa của người Tràng An vươn dài theo năm tháng cùng lịch sử tồn tại đến ngày nay.

 

Đặc sắc điệu múa Bài Bông

Và múa hát bài bông ở làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một trong những điệu múa còn chứa đựng những giá trị trí tuệ, bản sắc văn hóa của vùng đất hào hoa, thanh lịch.

Múa bài bông, trong dân gian còn có một tên gọi khác là “bắt Bài bông”, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù. Theo các nghệ nhân làng Phú Nhiêu múa hát Bài bông xuất hiện ở làng này khoảng hơn một thế kỷ trước và thường được biểu diễn trong các dịp đại lễ hoặc nơi cửa đình để hát thờ, phục vụ hội hè, lễ tết và mang nặng tính lễ nghi.

Cụ Lương Đức Nghi, xã Phú Nhiêu, Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Điệu múa Bài bông này từ thời nhà Trần đến nay là 700 năm. Đây là điệu múa cổ truyền của làng tôi, theo các cụ già nhất ở đây thì điệu múa này về đây từ năm 1924. Cho đến khi làng tôi bị tạm chiếm thì múa hát Bài bông phải dừng lại cho đến năm 1954 quê hương chúng tôi được giải phóng. Và khi đó chúng tôi là người đầu tiên sưu tầm lại điệu hát múa này cùng với điệu hò cửa đình".

Múa bài Bông thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của giáo phường như ngày giỗ tổ ca trù vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.... Những nghệ nhân ca trù vẫn coi múa Bài bông như một điệu dùng để múa chầu, múa ngự.

Một đội múa Bài bông cần ít nhất là 4 người, theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi: hoặc 8 hoặc 16, những dịp đại lễ thì phải 32 người múa. Là loại hình diễn xướng dân gian tương đối phức tạp, múa cũng khó ngang như hát, chưa kể đến chuyện phải kết hợp hài hoà giữa múa và hát. Âm điệu là tổng hợp các làn điệu dân ca, còn vũ điệu là các điệu múa dân gian và cung đình.

Múa Bài Bông do bác sĩ người Pháp Charles-Edouard Hocquard chụp vào đầu thế kỷ XX.

Ông Lương Tất Tố - Chủ nhiệm CLB múa hát bài bông cho biết: "Múa Bài bông cũng chỉ ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu giữa thiên nhiên và con người. Không ai thay đổi được lời, lời đấy được truyền từ xưa đến nay. Và múa Bài bông thì không có nhạc đệm, đã múa là phải hát, hát thì phải múa và không có một nhạc cụ nào khác. Trang phục của người múa Bi bông chỉ có khăn lụa và quạt chỉ đơn giản vậy thôi. Trong bài múa thì cũng có đoạn múa bằng quạt có đoạn múa bằng tay không và đoạn cuối kết là bằng lụa".

Múa Bài Bông cùng rất nhiều điệu múa và những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc vẫn đang được tiến hành phục dựng. Những giá trị truyền thống, những nét đẹp văn hoá xa xưa luôn là điều mà con cháu các thế hệ sau này mong muốn giữ gìn và phát huy nhất là khi ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không còn xa.

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT