Non nước Việt Nam

Làng nghề làm nón Phú Châu – Hà Nội

Cập nhật: 11/10/2010 09:06:28
Số lần đọc: 3470
Xã Phú Châu (thuộc huyện Ba Vì) được nhiều người biết đến do nổi tiếng từ nghề làm nón lá. Nón lá Phú Châu đã góp phần tạo nên nét duyên dáng, độc đáo của phụ nữ Việt Nam.

Nghề làm nón lá xuất hiện ở xã Phú Châu vào khoảng năm 1954. Theo nhiều người dân, một cô gái làng Chuông có tên Phạm Thị Nhàn lấy chồng thôn Phúc Xuyên (xã Phú Châu) đã gây dựng nên nghề làm nón ở quê chồng. Mới đầu, chỉ một số người làm, sau đó phát triển rộng cả thôn và lan sang các thôn xung quanh và trở thành nghề truyền thống.

Hiện nay, cả 3 thôn gồm Phúc Xuyên, Phong Châu và Liễu Châu trong xã Phú Châu đều làm nghề này. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đều có người làm nón, mọi người thường tranh thủ buổi tối hoặc lúc nông nhàn. Riêng thôn Phúc Xuyên, có rất nhiều hộ gia đình chuyên sống bằng nghề nón lá. Đặc trưng nón lá Phú Châu nhẹ, bền và đẹp. Bởi, nón chỉ có 15 lớp vòng (ít hơn 3 đến 5 vòng so với nón làng nghề khác) nhưng vẫn giữ được độ chắc chắn. Trung bình, mỗi ngày, một người có thể làm được từ 2 đến 3 chiếc, mỗi chiếc có giá từ 16.000 đến 25.000 đồng (tùy theo chất lượng). Tuy thu nhập từ làm nón không cao nhưng khá ổn định, bình quân từ 650.000 đến 700.000 đồng/người/tháng. Làm nón có nhiều khâu, nhưng khó nhất là khâu quay nón - đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì nón mới phẳng. Bởi nó quyết định độ thẩm mỹ của chiếc nón.

Trải qua gần 60 năm, nón Phú Châu ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo truyền thống nhờ bàn tay khéo léo của những “nghệ nhân” làng. Tuy có lúc thăng trầm, nhưng phiên chợ xã Phú Châu chưa bao giờ vắng bóng hàng nón lá. Và ngày 15-2 Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội làng nón Phúc Xuyên. 

 

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT