Về Bạc Liêu thăm vườn nhãn cổ
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 6 km về hướng biển. Ở đây có con đường đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bên tay phải là sân chim Bạc Liêu, bên phía trái là khu vườn nhãn. Vườn nhãn Bạc Liêu chạy dài trên 11km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, có tổng diện tích trên 200 ha. Theo lời kể của bà Quách Thị Hân, một người cố cựu ở ấp Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, vườn nhãn nơi đây được trồng đã hơn 100 năm. Ông Trương Hưng là người đầu tiên mang hai giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Cả hai giống nhãn đều thích nghi và phát triển tốt ở vùng đất này. Tuy nhiên, giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng hơn bởi cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, thịt rất thơm và ngọt.
Hiện khu vườn nhãn trên 3 ha của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng), ở ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành là rộng nhất. Tại vườn hiện còn một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to hai người ôm không xuể.
Trước đây do lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nên mỗi năm nhãn chỉ ra hoa và kết trái một lần từ tháng 5 đến tháng 9. Nhưng từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn. Trung bình một cây nhãn cổ có thể cho đến 300 - 400 kg/vụ. Những năm nhãn được giá, nhiều hộ dân có mức thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có hộ đạt cả trăm triệu đồng.
Xác định vườn nhãn là một lợi thế để khai thác du lịch sinh thái nên thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã kéo điện lưới quốc gia, đầu tư làm lộ nhựa chạy dọc về các khu vườn nhãn... Đi trên hương lộ nằm dọc theo vườn nhãn, du khách sẽ được thấy một bên là những ngôi biệt thự cổ kính nằm lẩn khuất trong vườn nhãn, một bên là cánh đồng rau màu chạy dài thẳng tắp hàng chục cây số. Xa hơn, đằng sau những cánh đồng màu là những ruộng muối trắng tinh nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh ngày xưa. Những cơn gió phóng khoáng từng đợt từ biển thổi vào, khiến du khách có cảm giác an nhàn, dễ chịu... Người dân thành phố Bạc Liêu từ lâu đã xem vườn nhãn là một địa điểm đi chơi lý thú. Chiều chiều, họ chở vợ con hoặc trai gái đèo nhau ra đây đổi gió. Đông nhất là thứ bảy, chủ nhật. Đặc biệt là ngày rằm tháng 7-8 âm lịch và lễ Quốc khánh 2-9, có thể nói là những dịp đại lễ ở vườn nhãn, giồng nhãn đón hàng chục ngàn du khách gần xa.
Những năm gần đây, trước sự biến động của giá cả thị trường và sự cạnh tranh của nhiều giống nhãn mới, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu đã thu hẹp dần diện tích. Đầu năm 2009, diện tích vườn nhãn chỉ còn khoảng 100 ha. Tuy nhiên, trong từng gốc nhãn cổ thụ ở Bạc Liêu ẩn chứa nhiều yếu tố văn hóa mà không nơi nào có được. Nó minh chứng cho lịch sử hình thành của đất giồng Bạc Liêu, sự gắn bó của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trong quá trình phát triển. Sự liên kết bền lâu đó đã tạo nên bề dày văn hóa đất giồng. Bởi vậy, vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu không chỉ đơn thuần là hái trái mang ra chợ bán, mà là ẩn chứa giá trị lịch sử.
Nhằm giữ gìn, bảo tồn khu vườn nhãn cổ thụ cũng như phát triển vùng du lịch sinh thái, gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã giao cho các cơ quan chức năng phối hợp cùng ngành du lịch thành lập dự án phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Dự án nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh như: khu du lịch - dịch vụ cụm nhà công tử Bạc Liêu, khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành, vườn nhãn, khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, dự án khôi phục, bảo vệ vườn chim Bạc Liêu... Trong tương lai không xa, khu du lịch vườn nhãn sẽ là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống. Tại đây sẽ xây dựng nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật tóm lược lịch sử hình thành và phát triển của 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) từ ngày đầu về cư ngụ đến nay. Riêng các vườn nhãn sẽ xây dựng thêm nhà lá khung gỗ của người Kinh, nhà ngói ba gian của người Hoa, nhà sàn mái cong của người Khmer - vừa là nhà mẫu truyền thống của dân tộc vừa là nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi.
Ngoài tham quan, hòa cùng không khí vui tươi của lễ hội, du khách đến vườn nhãn Bạc Liêu còn được tận hưởng những món thủy sản tươi ngon vừa được đánh bắt từ bãi biển nhà mát, ăn kèm với những loại rau xanh được trồng từ chính vùng đất giồng cát, nghe đờn ca tài tử, nghe người Bạc Liêu hát bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu...