Non nước Việt Nam

Huyền thoại hồ Hà Nội

Cập nhật: 13/10/2010 09:36:35
Số lần đọc: 2568
Hà Nội có hàng trăm hồ nước lớn nhỏ, được tạo nên từ những biến động địa chất hàng vạn năm của sông Hồng vùng hạ lưu. “Tụ thủy, tụ nhân”, đâu có hồ thì có người tụ họp. Cũng vì vậy mà Hà Nội được chọn là “đế đô muôn đời".

Đúng với cái tên “bên trong sông”, Hà Nội có "Nhĩ Hà nằm ở phía Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này", ngoài ra còn có các con sông cổ như Ngọc Hà, sông Tô và sông Nhuệ. Vùng đất bên trong các con sông, do phù sa bồi tụ không hoàn toàn, đã tạo nên nhiều vùng trũng và hình thành nhiều hồ, ao, chuôm.

 

Nổi tiếng nhất thuở xưa có 5 hồ, gọi là “ngũ hồ”, ứng với ngũ hành, gồm hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Ngọc Khánh, hồ Đồng Nhân.

 

Có lẽ trên cả nước, không có hồ nào kỳ lạ đến mức thiêng liêng như Hồ Gươm. Từng mang tên hồ Lục Thủy (nước xanh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (hướng về Phủ Chúa từ bên trái và bên phải), hồ Thủy Quân (nơi thao diễn quân đội), hồ Hoàn Kiếm (trả lại gươm thiêng)..., hồ Gươm thân thuộc với điển tích vua Lê Lợi trả gươm cho Long Quân sau khi chiến thắng quân Minh.

 

Nổi tiếng với nhiều huyền thoại, điển tích bậc nhất phải kể tới hồ Tây. Còn có tên gọi khác là Dâm Đàm, Hồ Tây là một hồ lớn, xưa ở phía Tây kinh thành, là dấu tích của sông Cái đổi dòng, nay nằm gọn trong lòng Hà Nội.

 

 

Một trong những huyền thoại gắn liền với Hồ Tây là thuyết trâu vàng. Tương truyền đời nhà Lý, ở nước ta có Nguyễn Minh Không sang Trung Quốc chữa bệnh cho con vua Tống. Để trả ơn, vua Tống cho phép Minh Không lựa vật báu theo ý thích và Minh Không chọn đồng đen (đồng đen được cho là “mẹ” của vàng).

 

Vua Lý sau đó đem đồng đen đúc thành chuông. Tiếng chuông vang xa ngàn trùng đến tận Trung Quốc. Nghe tiếng chuông ngân, trâu vàng ở bên ấy lồng lên chạy đến khu rừng gần thành Thăng Long thì mất hướng đi, lồng lên đi tìm và giẫm nát cả một khu rừng, còn đất thì lún xuống thành hồ.

 

Một truyền thuyết khác kể rằng xưa kia ở núi đá Tản Viên, có hang cáo chín đuôi hay lên làm hại người dân. Thượng Đế liền sai Long Vương dâng nước phá hang cáo. Cáo chín đuôi bỏ chạy. Quân của Long Vương đuổi theo bắt cáo. Nơi cáo bị giết thịt trở thành cái đầm sâu gọi là đầm Xác Cáo mà ngày nay gọi là Hồ Tây.

 

Ngoài ra còn có huyền thoại về Bà Chúa Liễu Hạnh gặp gỡ và đàm luận văn thơ với trạng nguyên kỳ tài Phùng Khắc Khoan, do vậy đã để lại cho Hà Nội đời sau một phủ Tây Hồ linh thiêng, huyền ảo.  

 

Còn hồ Bảy Mẫu rộng mênh mông, nằm trong công viên Thống Nhất. Hồ này vốn rất lớn, đến đầu thế kỷ 20 làm đường mới cắt làm ba, sinh ra thêm hai hồ Thiền Quang (hồ Hale) và hồ Ba Mẫu.

 

Trong khi đó, hồ Ngọc Khánh xưa kia nghe nói là nơi luyện tập của thủy quân, còn hồ Đồng Nhân trước cửa đền Hai Bà Trưng khi xưa có hình bán nguyệt, nhưng nay đã bị phố xá lấn dần mặt hồ.

 

Ngoài ra, còn có hồ Linh Đàm (Đầm Mực) nằm ở ngoại thành Hà Nội. Tương truyền rằng đây là nơi trú ngụ của thần Lâm Đàm (thần Rồng), đã từng hóa thành cậu học trò theo học thầy Chu Văn An.

 

Gặp năm trời hạn hán, vì thương xót dân, thần hút mực trong các nghiên bút, phun lên trời cầu mưa, giúp người trừ hạn hán, làm cả mặt hồ đen ngòm như mực, do vậy bị Thiên Đình tức giận trị tội chết. Người dân nơi đây nhớ ơn, lập đền thờ Thần.

 

Hồ ban tặng cho Hà Nội một nét duyên riêng có. Người Hà Nội gắn bó với hồ, “bám” lấy hồ để rồi tạo nên cả một đời sống văn hóa ven hồ. 

 

Một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm chỉ hai cây số, với những Hàng Đào đầy vải, Hàng Đường ngọt ngào, hàng Tiện đầy quân cờ… Còn vòng quanh Hồ Tây có những 17 cây số, từng lưu giữ mấy làng trồng hoa và cây cảnh, mấy làng nuôi cá vàng và đánh cá đánh tôm, có cả chợ bán lưới (Võng Thị). 

 

Hà Nội bước sang tuổi 1.000, cuộc sống bên hồ vẫn thật dung dị, nhất là ven hồ Hoàn Kiếm. Người ta vẫn thấy thanh niên hẹn hò, học sinh vui chơi, người lớn tuổi tập thể dục, chơi cờ tướng…  như một nét duyên riêng có của đất Hà thành.

Nguồn: website NLD

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT